TP. HCM, vẫn ngổn ngang dự án “trùm mền”

TP. HCM, vẫn ngổn ngang dự án “trùm mền”

Dự án Richlan Hills "trùm mền" vô thời hạn - Ảnh: Tăng Triển

Điểm danh những dự án “đắp chiếu” không thời hạn

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản TP. HCM đã chứng kiến khá nhiều dự án triển khai xây dựng và chào bán ra thị trường với kết quả khá tốt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, trên địa bàn hiện vẫn còn hàng trăm dự án căn hộ từ trung cấp đến cao cấp xây dựng dở dang đang nằm bất động.

Được khởi công xây dựng từ giữa năm 2010, Dự án Căn hộ Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) do CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Land) làm chủ đầu tư, sau khi xong phần móng và công bố mở bán vào đầu năm 2011 với kết quả bán hàng không tốt, đã ngưng hẳn việc thi công từ đó. Cuối năm 2012, vì không còn khả năng tiếp tục xây dựng, PV Land đã công bố bán tháo dự án này thông qua hình thức bán đấu giá với mức giá khởi điểm 51 tỷ đồng, chịu lỗ tới 112,3 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư ban đầu. Dẫu vậy, đến nay, dự án này vẫn chưa bán được.

Cuối năm 2013, một số đơn vị môi giới ở TP. HCM có ý định bắt tay với chủ đầu tư để khởi động lại Dự án Green House. Kế hoạch xây dựng, bảng hiệu mới, giá bán mới đã được tung ra. Nhưng sau khi ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐQT PVL bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, các doanh nghiệp môi giới bỏ chạy và dự án này lại rơi vào trạng thái “trùm mền” đến nay.

Kế bên Green House, Dự án Căn hộ Phát Tài do Công ty Tân Hải Minh làm chủ đầu tư cũng không kém phần thê thảm. Giữa năm 2011, sau khi xây dựng xong phần móng, dự án này công bố chào bán rầm rộ, nhưng rồi kế hoạch bán hàng không thành, nên nằm bất động từ đó đến nay.

Dự án giữ kỷ lục về thời gian “trùm mền” có lẽ phải kể đến Richland Hill do Công ty Thương mại & dịch vụ Hào Quang và CTCP Hiệp Phú Thịnh làm chủ đầu tư. Dự án nằm ngay mặt đường Lê Văn Việt, con đường sầm uất nhất quận 9. Được khởi công từ cuối tháng 8/2007, theo kế hoạch, nhà mẫu của Dự án được giới thiệu vào hè 2008 và toàn bộ Dự án được hoàn thành vào năm 2011, với quy mô vốn đầu tư dự kiến là hơn 150 triệu USD. Tuy nhiên, tới nay, Dự án vẫn chỉ là một bãi đất được quây tôn, ngổn ngang những hầm sâu cùng với sắt thép vương vãi.

Không chỉ những dự án kể trên, tại TP. HCM, từ quận 1 đến các quận lân cận như Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, quận 9, Nhà Bè, đi đâu cũng bắt gặp những dự án căn hộ trong tình trạng “trùm mền”. Đơn cử như tại quận 1, có Dự án cao ốc SMC. Bình Thạnh có dự án cao ốc trên đường Điện Biên Phủ của Công ty Việt Thuận Thành. Quận 7 có Dự án Kenten Residences của Công ty Tài Nguyên. Gò Vấp có Dự án Lilama SHB Plaza trên đường Nguyễn Văn Dung do CTCP Đầu tư xây dựng Lilama SHB làm chủ đầu tư dù đã thu tiền của khách hàng gần 5 năm qua nhưng vẫn “trùm mền”… 

Lối thoát nào?

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 1.403 dự án phát triển nhà ở; trong đó, 49% dự án đang gặp khó khăn hoặc ngưng triển khai; số dự án đang thi công là 201 dự án, chiếm 15%. Còn theo một số chuyên gia bất động sản, con số dự án “trùm mền” trên địa bàn Thành phố phải lên đến hàng trăm.

Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, thời gian gần đây, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ thị trường, nhưng các chính sách này chủ yếu tập trung cho người mua nhà tại các dự án nhỏ, giá trị sản phẩm thấp, còn những dự án có quy mô lớn vẫn chưa có lối thoát.

“Thị trường bất động sản hiện nay đã tốt lên thấy rõ, tuy nhiên diễn biến này không xảy ra với tất cả các dự án. Dù vậy, nếu chủ đầu tư nào biết nắm bắt cơ hội thì vẫn có thể phát triển”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, “cái chết” của hầu hết các dự án bị “trùm mềm” hiện nay là do các chủ đầu tư không tự lượng được sức mình, phát triển dự án lệch pha với nhu cầu thị trường. Do vậy, lối thoát tốt nhất là các dự án này phải điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ hợp lý với nhu cầu thị trường, hoặc có sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn, trong đó cách 2 là khả thi hơn.

“Không nói đâu xa, Đất Lành thời gian qua, nếu không nhờ bắt tay với Hưng Thịnh để triển khai Dự án 8X Thái An cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Đực nói và cho biết, lối thoát của các doanh nghiệp địa ốc lúc này là cần phải có sự kết giữa các doanh nghiệp, để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Một khi dự án được xây dựng tốt, sẽ bán được hàng, vì nhu cầu thực tế trên thị trường vẫn rất cao.

Tăng Triển (Đầu tư Chứng khoán)

Bài viết mới nhất