Sẽ dư thừa trung tâm thương mại?

Sẽ dư thừa trung tâm thương mại?

Trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7).

Trong lĩnh vực thương mại tại TP Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng hoạt động bán lẻ luôn dẫn đầu cả nước. Để phục vụ cho hoạt động bán lẻ, nhiều TTTM lớn đã được hình thành và trong tương lai, loại hình kinh doanh này sẽ còn “mọc” thêm do các tập đoàn bán lẻ tầm cỡ thế giới đầu tư.

TP Hồ Chí Minh hiện có 243 chợ truyền thống, hơn 100 siêu thị, 723 cửa hàng tiện ích và gần 100 TTTM. Với những cơ sở hiện có, mạng lưới kinh doanh bán lẻ của thành phố vừa lớn, vừa hiện đại nhất nước, bên cạnh đó công năng của hạ tầng thực tế lớn hơn nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân.

Theo kế hoạch phát triển ngành thương mại của thành phố, hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn sẽ không bị “xóa sổ”, chỉ chỉnh trang, cải tạo hoặc xây mới trên nền đất cũ. Như vậy, hệ thống chợ này cơ bản đã làm “tròn vai” là nơi mua bán các mặt hàng thiết yếu của hơn 10 triệu dân thành phố.

Cùng với chợ truyền thống, hình thức kinh doanh của hệ thống cửa hàng tiện lợi tăng hai đến ba lần chỉ trong 5 năm trở lại đây. Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm tới nay, chuỗi bán lẻ Circle K (Mỹ) hiện phát triển gần 100 cửa hàng, số lượng này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. B’s Mart (Thái-lan) có 96 cửa hàng. Đến năm 2018, chuỗi bán lẻ này dự kiến sẽ đạt 300 cửa hàng. Hệ thống cửa hàng Shop & Go (Xin-ga-po) vào Việt Nam năm 2005, hiện sở hữu hơn 100 cửa hàng, dự kiến đến hết năm nay sẽ cán mốc 130 cửa hàng, trong đó, đa số cửa hàng đặt tại thành phố. Với tốc độ phát triển của cửa hàng tiện lợi nhanh đến chóng mặt, có những con đường dài chưa đến một km quanh khu vực “phố Tây” ở quận 1 đã có hàng chục cửa hàng tiện lợi kiểu này.

Gần đây, trên các đường phố, cửa hàng đua nhau mở, thậm chí trên các căn hộ chung cư cao tầng, người ta cũng đã mở cửa hiệu để bán hàng, tạo cho mạng lưới bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh thêm đa dạng và phong phú về hình thức kinh doanh. Sự phong phú về các loại hình kinh doanh thương mại chưa dừng lại ở đó, mà còn có cả phương thức kinh doanh hiện đại là xây các TTTM hoành tráng. Các TTTM được xây dựng vừa mang chức năng bán hàng, vừa là điểm hội họp, vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực và đang ồ ạt mọc lên.

Theo nghiên cứu của Công ty Savills Việt Nam, trong quý III năm 2014, tổng nguồn cung về mặt bằng bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 851 nghìn m2. Từ quý IV năm 2014 trở đi, khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bán lẻ từ 59 dự án mới sẽ gia nhập thị trường. Tuy nhiên, chỉ có 24% số dự án hiện đang được tiến hành xây dựng hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đến năm 2016, thị trường sẽ có thêm 375 nghìn m2 diện tích bán lẻ; trong đó quận 7 chiếm đến 68%. Nếu như một năm nữa, các dự án xây dựng TTTM đi vào hoạt động, thì ai sẽ là người bán và ai mua hàng tại đây, trong khi các TTTM hiện có đang quá ế ẩm, vắng khách.

Tại các TTTM như Saigon Paragon, Parkson Hùng Vương, Diamond, Saigon Center, Crescent Mall... bên trong sự đồ sộ về quy mô xây dựng là tình trạng đìu hiu vì vắng người mua. Tại TTTM Parkson Hùng Vương (quận 5), dù là những ngày cuối tuần, nhưng chỉ có một lượng ít khách ăn uống ở tầng 3 và xem phim ở tầng 7; các khu vực bán quần áo, mỹ phẩm thi thoảng mới có người đến xem, rất ít người mua hàng.

Các TTTM mới xây gắn liền với các chung cư cao cấp như Panorama ở Phú Mỹ Hưng (quận 7), The Vista (quận 2), Trung Sơn (Bình Chánh) có thiết kế rất đẹp, song người bán nhiều hơn người mua hàng. Theo giới kinh doanh bất động sản, các TTTM gắn với các khu dân cư mới ở TP Hồ Chí Minh có quy mô phát triển nhanh gấp nhiều lần nhu cầu thực của người dân, cho nên bị ế cũng không khó lý giải. Nghịch lý của các TTTM hiện nay là: Hiệu quả kinh doanh thấp nhưng các dự án lớn, thậm chí siêu lớn vẫn tiếp tục được xây dựng.

Hoạt động thương mại của thành phố đang hướng đến văn minh, hiện đại, trong đó phát triển hài hòa giữa chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích và TTTM. Nếu như trong tương lai, các TTTM phình to thì lẽ đương nhiên sức mua tại chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích sẽ hẹp lại. Việc xây nhiều TTTM ở thành phố sẽ xảy ra tình trạng dư thừa mặt bằng kinh doanh, trong khi nhu cầu của người dân thì không tăng nhanh tương ứng. Người tiêu dùng cần hàng hóa nhiều, đáp ứng đúng thị hiếu với giá cả phù hợp.

Theo nhiều chuyên gia, để phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, thành phố không nên xây dựng nhiều TTTM nhằm bán lẻ hàng hóa mà cần đầu tư thêm vào hệ thống phân phối, trung tâm bán sỉ, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa mang tầm quốc tế...

Theo Báo Nhân Dân

Bài viết mới nhất