Việt kiều có đứng tên mua nhà tại Việt Nam không?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc tặng cho nhà ở giữa người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được thực hiện nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà tại Việt Nam, căn cứ Điều 126 Luật Nhà ở 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009:

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Như vậy, ngoài việc bạn có quốc tịch Việt Nam thì bạn phải thuộc trường hợp được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên. Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành và Thông tư số 34/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 124/2011/TT-BTC, trường hợp tặng cho quyền sở hữu nhà ở giữa anh, em ruột với nhau thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ, tuy nhiên vẫn phải chịu phí công chứng và lệ phí hành chính nhà nước khác. Các bước tiến hành tặng cho quyền sở hữu nhà ở được thực hiện như sau:

Bước 1: Lập hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013:

“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”

Bước 2: Tiến hành khai thuế và lệ phí trước bạ

Trường hợp này, khi khai thuế và lệ phí trước bạ, người nhận tài sản phải xuất trình cho cơ quan thuế các giấy tờ hợp pháp chứng minh mối quan hệ với cho, tặng hoặc xác nhận của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người cho hoặc nhận tài sản thường trú về mối quan hệ trên (khoản 10 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng nghị định 23/2013/NĐ-CP)

Bước 3: Đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

Căn cứ Điểm l Khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, sau khi công chứng HĐ tặng cho, tính từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký biến động, thời gian hoàn thành thủ tục là không quá 10 ngày.
 

Theo diaoconline

Bài viết mới nhất