Quy định về xử lí, cưỡng chế nhà ở xây không phép

Trả lời: 

Theo dữ liệu tình huống mà Ông/bà cung cấp không nêu rõ vào tháng 01/2014 đã bị xử phạt về hành vi nào, biện pháp xử phạt chính là gì ngoài việc cưỡng chế đập bỏ. Trong khi đó, thông tư 02/2014/TT-BXD ngày 12/02/2014 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định khá nhiều nội dung. Do đó, chúng tôi không thể đưa ra câu trả lời chính xác về việc Ông/bà sẽ nộp phạt theo Thông tư 02/2014/TT-BXD hay bị cưỡng chế đập bỏ. Tuy nhiên, để Ông/bà có thêm thông tin về vấn đề này, chúng tôi cung cấp một số quy định có liên quan như sau:

Theo Khoản 6 và Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở:

  • Khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng hoặc sai phép mà hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng và công trình không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
  • Còn nếu công trình xây dựng không có không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng hoặc sai phép xây dựng mà khi hoàn thành không đáp ứng các điều kiện nêu trên thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.

Cũng xin lưu ý thêm về tình huống Ông/Bà nêu ra là chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và khu đất xây dựng có mục đích sử dụng là đất ruộng lúa. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể thực hiện xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế phá dỡ nhà ở.

Ngoài ra, chúng tôi cung cấp thêm quy định pháp luật liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính là về nguyên tắc, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì cơ quan/cá nhân có thẩm quyền phải thực hiện việc lập biên bản về hành vi vi phạm, ra quyết định xử phạt (trong đó nêu rõ hình thức xử phạt chính và bổ sung), trường hợp người vi phạm không thực hiện theo quyết định xử phạt trên thì Người có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các quyết định này phải được giao đến cho người thực hiện hành vi vi phạm để họ biết và thực hiện hoặc khiếu nại/khởi kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mà họ cho rằng có xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, trong trường hợp này, Ông/bà cần kiểm tra lại các quyết định xử phạt trong thời gian qua, đối chiếu với quy định pháp luật được viện dẫn để xác định việc cơ quan nhà nước đã áp dụng đúng biện pháp chế tài đối với hành vi của mình hay chưa, cũng như có tuân thủ quy trình xử phạt hành chính hay không để thực hiện; Trường hợp phát hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính trên có xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì kịp thời thực hiện quyền khiếu nại/ khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trên theo quy định pháp luật.

Theo CafeLand

Bài viết mới nhất