Xử lý Tài sản Đảm bảo: Cần những tháo gỡ pháp lý

Khách hàng bất hợp tác, pháp luật thiếu quy định

Thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật quy định về xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) đã được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và NHNN ban hành đã giúp cho hoạt động NH đảm bảo an toàn, hiệu quả như: Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm; Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý TSĐB có hiệu lực từ 22/7/2014.

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn tồn tại những vướng mắc chưa được giải quyết triệt để do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đặc biệt liên quan đến xử lý TSĐB là bất động sản (BĐS). Bởi trong thực tế, khi NH thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã gặp không ít khó khăn.

Việc xử lý TSĐB là quyền sử dụng đất cũng đang gặp nhiều khó khăn

Muốn xử lý được TSĐB thì trước tiên NH phải thu giữ được TSĐB. Song, trên thực tế bên giữ tài sản thường bất hợp tác, tìm cách chây ì, trì hoãn việc chuyển giao. Vì vậy, cần có cơ chế để giải quyết vấn đề này.

Bởi theo quy định hiện nay, cơ quan công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ TSĐB bất hợp tác. Việc pháp luật chưa có các quy định cụ thể về việc Ủy ban nhân dân, cơ quan công an và các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ công tác xử lý TSĐB của các NHTM khiến các NH rất khó thực hiện quyền thu giữ TSĐB trên thực tế.

Bên cạnh đó, việc thu giữ tài sản hiện cũng gặp khó khăn trong trường hợp khách hàng là DN FDI, chủ sở hữu có tài sản là nhà xưởng, quyền thuê đất trong khu công nghiệp là người nước ngoài đang bỏ trốn, mất tích hoặc chết. Một số TSĐB có tính chất đặc thù như tàu bay, tàu biển đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn, quy định cụ thể về việc xử lý; hay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc khách hàng gán tài sản cho TCTD để thay thế cho nghĩa vụ nợ.

Khi gặp phải các khó khăn như vậy, các NH thường phải tiến hành các thủ tục khởi kiện ra tòa. Theo Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006, NH có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc bàn giao TSĐB. Tuy nhiên, quá trình này khiến các NH mất rất nhiều sức lực và thời gian, bởi thực tế quá trình tố tụng hiện nay thông thường kéo dài nhiều năm. Ngay cả đến khi có bản án thì việc thi hành án cũng kéo dài.

Dù theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự thì khi đã có bản án của tòa án các cấp, cơ quan thi hành án dân sự phải có kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Nhưng, nếu chính quyền địa phương và công an không phối hợp (như không cử cán bộ phối hợp, bảo vệ cưỡng chế) thì việc cưỡng chế cũng không thực hiện được.

Đặc biệt, nếu bên bảo đảm là các đối tượng chính sách thì việc cưỡng chế còn gặp khó khăn hơn nữa. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp yêu cầu thi hành án đã diễn ra nhiều năm, nhưng cơ quan thi hành án dân sự vẫn không thể tổ chức cưỡng chế thu hồi được tài sản bán đấu giá cho NH.

Trong khi đó, tuy Thông tư liên tịch số 16 cho phép NH được phép dùng hợp đồng thế chấp (trường hợp nhận chính TSĐB) hoặc được phép ký nhận hợp đồng chuyển nhượng (trường hợp bán TSĐB) nhưng thực tiễn, các cơ quan công chứng, văn phòng nhà đất không thực hiện việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng, sang tên chủ sở hữu khi không có chữ ký chủ sở hữu TSĐB.

Do đó, việc NH tự xử lý TSĐB (bán, nhận chính TSĐB…) mà không cần văn bản ủy quyền của bên chủ sở hữu bảo đảm trên thực tế cũng không thực hiện được.

Việc xử lý TSĐB là quyền sử dụng đất cũng đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề tài sản gắn liền với đất. Bởi pháp luật không có quy định trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không đồng ý chuyển nhượng tài sản gắn liền trên đất thì TCTD có quyền xử lý như thế nào.

Do đó, NH cũng không xử lý được TSĐB là quyền sử dụng đất nếu chủ tài sản không đồng ý xử lý tài sản gắn liền trên đất. Ngoài ra, tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 16 quy định TCTD được nhận chính TSĐB để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.

Tuy nhiên trên thực tế, TCTD rất khó khăn khi thực hiện biện pháp trên, đặc biệt là đối với các TSĐB là vốn góp, cổ phần, BĐS, chứng khoán… Lý do, theo quy định của pháp luật, NHTM khi góp vốn, mua cổ phần của DN hoạt động ngoài các lĩnh vực được quy định tại Khoản 4 Điều 103 Luật Các TCTD thì phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của NHNN và đáp ứng các quy định về tỷ lệ so với vốn điều lệ.

Cần có những sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn đồng bộ

Một số vướng mắc thực tế nêu trên cho thấy, đã đến lúc cần có những sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn đồng bộ các quy định trong Luật Đất đai, Luật Dân sự, các Quyết định, Nghị định về bảo đảm tiền vay theo hướng cho phép TCTD được quyền chủ động cưỡng chế, thu giữ, phát mại các TSĐB của các khoản nợ xấu để thu nợ mà không phụ thuộc vào sự chấp thuận/ủy quyền của chủ tài sản.

Đồng thời, cần ban hành văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách, quy định giao cụ thể để chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, cơ quan công an…) tham gia hỗ trợ TCTD xử lý TSĐB thu hồi nợ. Bộ Tư pháp cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý TSĐB theo Nghị định số 163 và Nghị định số 11 của Chính phủ.

Mặt khác, cần xây dựng các cơ chế phối hợp với cơ quan công chứng, cơ quan tố tụng và thi hành án trong việc thúc đẩy quá trình xử lý TSĐB thu hồi nợ để giúp cho việc xử lý TSĐB được triển khai thông thoáng hơn và nhanh gọn hơn.

Ngoài ra, cần ban hành cơ chế, quy định xử lý TSĐB trong trường hợp khách hàng và/hoặc bên đảm bảo bỏ trốn, mất tích… cũng như có các hướng dẫn việc gán các tài sản cho TCTD thay thế các nghĩa vụ nợ; hướng dẫn thực hành quy định pháp luật đối với các trường hợp nợ đã bán cho VAMC nhằm thúc đẩy quá trình xử lý nợ. Trong trường hợp phải xử lý nợ, cần cho phép các TCTD chuyển nợ thành góp vốn vượt giới hạn góp vốn mua cổ phần theo quy định của NHNN (hiện tại tối đa là 11%).

Theo Thời báo Ngân hàng

 

Bài viết mới nhất