Xin phép xây dựng mỗi nơi mỗi kiểu.

Các quận, huyện cho hay thủ tục cấp phép xây dựng đang rất rối rắm, có nhiều cách hiểu và nhiều cách thực hiện.

 

Từ khi Nghị định 64/2012 có hiệu lực (ngày 20-10-2012), tình hình cấp phép xây dựng tại TP.HCM phát sinh nhiều rối rắm.

Bản vẽ kết cấu: Nơi phải có, nơi không

Bà Nguyễn Thị Bông, nhà trên đường Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh có nhu cầu xin phép xây dựng với quy mô nhà bốn tầng. Lên UBND quận này tìm hiểu, bà được hướng dẫn thủ tục rất đơn giản: Chỉ cần nộp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản vẽ xin phép xây dựng và điền vào mẫu đơn xin cấp phép xây dựng mới. Với diện tích xây dựng hơn 300 m2, đơn vị đo vẽ thông báo bà Bông chỉ phải đóng 5,2 triệu đồng tiền bản vẽ (16.000 đồng/m2).

Trong khi đó, ông Hồ Minh Thanh, nhà tại quận 10 khi đi xin phép xây dựng thì thủ tục lại phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. “Ngoài ba thành phần như trên, quận 10 yêu cầu tôi nộp thêm bản vẽ kết cấu và phải nhờ một công ty khác thẩm định bản vẽ đó” - ông Thanh cho hay.

Làm thủ tục cấp phép xây dựng tại quận 10, TP.HCM. Ảnh: HTD

Tìm hiểu tại một số công ty đo vẽ, ông Thanh được biết đơn giá bản vẽ kết cấu dao động từ 40.000 đến 100.000 đồng/m2 vì rất chi ly, phức tạp. Nếu tính theo giá thấp nhất thì ông phải mất gần 9 triệu đồng mới có được bản vẽ kết cấu cho căn nhà 260 m2. Cộng với hơn 3 triệu đồng chi phí cho bản vẽ xin phép xây dựng, vị chi ông Thanh phải tốn khoảng 12 triệu đồng tiền bản vẽ (chưa kể đến chi phí nhờ một công ty khác thẩm định bản vẽ kết cấu).

Gần tương tự, ông Trần Trọng Bình, nhà ở đường Xuân Hồng, phường 4, quận Tân Bình khi xin phép xây dựng lại căn nhà cũng được yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu nhưng không cần có đơn vị khác thẩm định. “Tôi rất thắc mắc vì người hàng xóm mới xin cấp phép xây dựng hơn nửa tháng trước thì quận lại không yêu cầu nộp bản vẽ này” - ông Bình phản ánh.

Bỏ thì sai nghị định, đòi lại làm khó dân

Qua tìm hiểu, ngoài quận Bình Thạnh thì một số quận khác như quận 4 không đòi người dân phải có bản vẽ kết cấu khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng. Một số quận yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu là Tân Bình (mới áp dụng từ ngày 1-6), 10, 11… Riêng quận 10 thì bản vẽ này còn phải được thẩm tra bởi một đơn vị đo vẽ khác.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các quận, huyện cho hay thủ tục cấp phép xây dựng đang rất rối rắm, có nhiều cách hiểu và nhiều cách thực hiện. Cụ thể, Nghị định 64 yêu cầu hồ sơ xin phép xây dựng với nhà ở riêng lẻ có diện tích 250 m2 trở lên ngoài bản vẽ xin phép xây dựng như lâu nay (thể hiện mặt bằng vị trí, móng, mặt cắt…) thì phải có thêm bản vẽ kết cấu chịu lực chính của công trình. “Tuy nhiên, Thông tư 10/2012 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 6-2-2013) hướng dẫn Nghị định 64 lại không yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu trong thành phần hồ sơ cấp phép xây dựng. Riêng chúng tôi thấy việc đòi thêm bản vẽ này là làm khổ dân, rất tốn kém nên không yêu cầu phải nộp” - đại diện phòng Quản lý đô thị một quận giải thích.

Trong nhóm các quận yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu, Phòng Quản lý đô thị quận 11 cho biết đã hỏi ý kiến Sở Xây dựng và được trả lời là phải thực hiện đúng Nghị định 64. “Trước đây, quận Tân Bình không đòi bản vẽ kết cấu nhưng do Sở Xây dựng nhắc nhở nên từ ngày 1-6 quận đã yêu cầu phải có” - ông Ngô Văn Dũng, cán bộ cấp phép xây dựng quận Tân Bình, cho hay. Riêng trường hợp quận 10 yêu cầu bản vẽ kết cấu phải được thẩm định bởi một đơn vị khác, Sở Xây dựng đã có nhắc nhở là không đúng. Người dân chỉ cần nộp bản vẽ kết cấu do một đơn vị có chức năng lập là được.

“Theo giải thích của Bộ Xây dựng, cơ quan cấp phép xây dựng không thẩm định bản vẽ kết cấu đúng hay sai nhưng cũng không được bỏ” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Quách Hồng Tuyến cho hay. Trước đây, trong các lần góp ý cho dự thảo nghị định, Sở Xây dựng đã đề nghị nên bỏ quy định này vì không có ý nghĩa gì nhưng lại gây khó khăn cho dân. Tuy nhiên, Nghị định 64 khi ban hành vẫn yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu. “Về vấn đề này Sở sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ nhưng trong lúc luật chưa sửa thì các địa phương vẫn phải thực hiện để đảm bảo sự thống nhất” - ông Tuyến nói.

Nguồn Cẩm Tú (Pháp luật Tp.HCM)

Bài viết mới nhất