Xây nhà ở xã hội phải dành 30% cho thuê
- 11/09/2014
- Tin tức thời sự
Nhà cho người thu nhập thấp ở khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên
|
Sẽ có nhiều nhà cho dân thuê
Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quy định Hiến pháp về quyền có chỗ ở của người dân. Nhưng nhiều ĐB đề nghị, theo thể chế này, không có nghĩa là mọi người đều có quyền sở hữu nhà ở, mà mọi người đều có nhà ở, trong đó có nhà cho thuê. Vì vậy, cần thiết kế trong mỗi khu nhà ở xã hội phải dành ít nhất 30% để cho thuê, đồng thời, để không tạo sự phân biệt đối xử giữa nhà ở xã hội với nhà ở thương mại, hay nhà ở cao cấp, trong mỗi khu đô thị được xây dựng, cần yêu cầu sử dụng chung một hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội và cách thức quản lý.
Nhiều nhà công vụ biến thành tư vụ Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH thẳng thắn nhận xét: Hiện nhiều cán bộ được ở nhà công vụ đã biến nhà công vụ thành tư vụ. Nghỉ hưu, về quê sống nhưng vẫn giữ nhà công vụ. “Chính phủ cần có báo cáo rõ về tình hình thực hiện nhà công vụ để Quốc hội quyết định”, ông Tiến đề nghị. |
Đề cập đến chính sách đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, theo ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), Luật Nhà ở hiện hành đã quy định Nhà nước khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, cho thuê mua và Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách từ năm 2009 đến nay để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, song thực tế cho thấy chủ đầu tư chỉ chú trọng vào việc phát triển nhà ở để bán, nhà ở thương mại.
Trong khi đó, các địa phương không quan tâm nhiều đến việc phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, dù hiện nay nhu cầu về nhà ở cho thuê là rất lớn, công nhân và sinh viên chủ yếu phải ở trọ chật chội trong dân.
“Cần yêu cầu doanh nghiệp phải dành 20-30% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê. Sau 5-10 năm cho thuê thì được bán lại cho người thuê. Đó là kinh nghiệm trên thế giới” ông Tiến nói và đề nghị cần nghiên cứu để có thêm cơ chế bắt buộc và khuyến khích việc phát triển nhà ở xã hội.
Đồng tình quan điểm này, theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), thực tế cho thấy có bao nhiêu % học sinh, sinh viên được thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư mà hầu hết sinh viên đều thuê nhà của nhà dân. Do vậy, dự thảo luật cần có quy định về đầu tư cho các đối tượng khác đầu tư nhà ở xã hội, bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong việc hưởng các chế độ chính sách.
Sẽ luật hóa việc quản lý chung cư
Về sở hữu chung trong nhà chung cư, dự thảo Luật quy định chỗ để xe được chia thành hai loại, nếu là chỗ để xe hai bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ôtô thì do chủ đầu tư quyết định sẽ thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc thuộc sở hữu chung. Uỷ ban TVQH đề nghị bổ sung quy định, nếu chủ đầu tư quyết định giữ chỗ để xe ôtô thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì không được hạch toán vào giá bán căn hộ chung cư và phải công khai, minh bạch nội dung này trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng, nhu cầu gửi xe ôtô là rất lớn. “Trong khi luật quy định xe hai bánh là thuộc vào sở hữu chung trong chung cư; còn xe bốn bánh do chủ đầu tư quyết định. Như vậy là không phù hợp xu thế phát triển khi ngày càng có nhiều người dân có ôtô riêng. Vì thế, phải quy định nhà chung cư phải có chỗ để xe ôtô. Cần quy định diện tích để xe thuộc sở hữu chung là cho cả xe máy, xe ôtô”, ông Đương góp ý.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bức xúc: “Tôi đã ở nhà chung cư hàng chục năm nay, ám ảnh nhất là bị triệu tập họp triền miên, kéo dài là các cuộc cãi vã, tranh chấp về quyền lợi về sở hữu chung - riêng”.
Theo bà Nga, sở dĩ có chuyện tranh cãi, khiếu nại là vì quyền lợi của dân rất bất lợi, trong đó tranh chấp hợp đồng và quyền lợi về sở hữu chung - riêng là nguyên nhân chính. Nguyên nhân là vì quy định hiện nay quá chung chung nên người mua nhà thường xuyên bị bất lợi, không được ai bảo vệ quyền lợi. “Bộ Xây dựng cần có đánh giá toàn bộ những bất cập trong quản lý nhà chung cư thời gian qua để có thực tiễn làm luật”, bà Nga đề nghị.
Theo Giao thông Vận tải
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...