Tràn lan xây nhà không phép
- 15/05/2017
- Tin tức thời sự
Một hình thức xây nhà không phép phổ biến ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh: Tôn che chắn bên ngoài ngụy trang, còn bên trong tường gạch, cột bêtông cứ thế... mọc lên thành nhà. Ảnh: P.V |
Cưỡng chế tréo ngoe
Câu chuyện bắt đầu từ việc ông L.T.H - người dân mua đất bằng giấy tay từ một người dân khác, với diện tích 192m2, tại thửa đất số 60, tờ bản đồ số 74, thuộc tổ 193, ấp 4. Năm 2006, dù biết lô đất nằm trong quy hoạch khu Nam TPHCM, nhưng ông H. vẫn quyết định mua… Năm 2016, ông H. dựng lưới B40, cùng khung sắt để trồng hoa lan và một số loại cây kiểng. Cho rằng hành vi này vi phạm trật tự xây dựng (không phép), nên ngày 3.2.2017, UBND xã Bình Hưng ra quyết định phạt, yêu cầu ngừng thi công trình và tự tháo dỡ… Do ông H. không tự tháo dỡ, nên UBND xã đã xuống cưỡng chế.
Điều đáng nói là UBND xã Bình Hưng lại không ban hành quyết định cưỡng chế; trong quá trình cưỡng chế không lập biên bản cưỡng chế như luật định... Ông H. cho biết: Việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng không phép ở đây rất ngẫu hứng. Đều là công trình xây dựng không phép, nhưng vì lý do nào đó, công trình này nghiễm nhiên tồn tại; trong khi công trình kia, lại bị đập bỏ một cách quyết liệt (?)…
Năm 2002, ông Đặng Thành Thang mua 224m2 đất từ ông Nguyễn Văn Hai với giá 230 triệu đồng. Do miếng đất này nằm trong quy hoạch khu Nam TPHCM, nên không thể làm thủ tục sang tên chủ quyền được. Khi ông Thang xây nhà tạm, thì bị UBND xã Bình Hưng lập biên bản xử phạt, ông Thang đã nghiêm túc chấp hành. Nhưng lạ lùng thay, năm 2013, bỗng dưng xuất hiện một người tên Phạm Thị Thuý xây cất trái phép 4 căn nhà trên chính khu đất ông Thang mua (?!).
Đến năm 2015, sau nhiều lần ông Thang khiếu nại, UBND xã Bình Hưng mới ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ 4 căn nhà nói trên. “Tuy nhiên, không hiểu sao cho đến nay, 4 ngôi nhà trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại?” - ông Thang bức xúc cho biết. Trong khi đó, bà Thúy cũng… khởi kiện ra toà quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành của UBND xã Bình Hưng. Bà Thuý cho rằng: UBND xã Bình Hưng xác định bà xây nhà trái phép từ năm 2015 là không đúng.
Trên thực tế, bà Thúy xây nhà trái phép từ trước năm 2009. Phần đất này, trước đây thuộc kênh rạch; năm 2005, UBND xã Bình Hưng lập biên bản vì bà san lấp trái phép. Thậm chí, bà Phạm Thị Thuý còn tiết lộ nhà bà (ở khu vực khác), có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhưng không có giấy phép xây dựng. Song, vẫn cứ xây; quan trọng là phải theo chiến thuật “từ từ, du kích, bữa nay cất chút, mai cất chút”. Theo bà Thuý, xã Bình Hưng là điểm nóng về xây nhà trái phép, càng vào hẻm, thì xây càng nhiều. Bà Thuý dẫn chứng, không xa thửa đất bà xây trái phép 4 căn nhà, là bãi đất trống với căn nhà tôn màu xanh trái phép được cất cách đây không lâu...
“Bùa” xây nhà không phép tràn lan
Ông N. - cán bộ quản lý trật tự xây dựng, từng công tác ở xã Bình Hưng nhiều năm - cho biết: Trường hợp ông Thang, ông H. là hệ quả từ tình trạng mua bán đất bằng giấy tay, có dấu hiệu “bảo kê” xây nhà không phép, vốn dĩ diễn ra nhiều năm nay… “Làm gì có chuyện người dân mua đất giấy tay rồi tự ý xây nhà không phép, mà chính quyền địa phương không hay ?” - ông N. quả quyết.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa hiểu vấn đề, ông N. đã không ngần ngại chỉ rõ chuyện “bùa phép” xây nhà không phép tại đây. Theo lời ông N., từ mảnh đất trống được mua giấy tay, muốn xây dựng nhà không phép, chỉ cần liên lạc với thầu xây dựng ngay trên địa bàn là xong. Tuỳ theo nhu cầu của người xây nhà cấp 4 (tường gạch hay nhà tôn), sẽ có mức giá dao động từ 140 - 280 triệu đồng/căn. “Tất nhiên, thầu xây dựng phải chung chi thì một số cán bộ của chính quyền địa phương mới nhắm mắt làm ngơ… Thông thường, nhà thầu tư vấn gia chủ phương án ít tốn kém nhất, ít bị để ý nhất, là xây tôn bên ngoài để làm... bình phong; sau đó, phía trong ồ ạt đổ móng, lên tường, đổ sàn…” - ông N nói.
Nhằm xác minh điều ông N. nói, trong vai người mua đất, chúng tôi rảo quanh ấp 4, xã Bình Hưng… Rất nhiều “cò” đất kiêm xe ôm tại đây mời mọc nhiệt tình, giới thiệu đủ loại diện tích đất, với giá bán từ 600 triệu đồng… Các “cò” còn nhanh nhảu trấn an bằng việc chỉ trỏ những căn nhà cấp 4 được xây tường tại đây rằng, chỉ cần chung chi là “OK hết” ?. Nhiều người dân sống xung quanh cũng cho biết: Hễ có đất là cất được nhà, quan trọng có tiền chung chi hay không… Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lần theo con hẻm cách đường Chánh Hưng nối dài khoảng 40m, thấy rõ căn nhà sát địa chỉ C3/9/96 ấp 4 đang được xây mới. Trong vỏ bọc tinh vi, phía ngoài được che chắn bởi tôn, bạt nhưng phía trong đang đổ móng xây tường kiên cố...
Ai tiếp tay cho xây nhà không phép ?
Trong vai người đã mua đất bằng giấy tay tại ấp 4, xã Bình Hưng, chúng tôi tiếp cận thầu xây dựng tên T.N.P - Giám đốc một công ty xây dựng có trụ sở đóng trên địa bàn xã Bình Hưng. Ông T.N.P gợi ý cho chúng tôi 2 phương án xây nhà trái phép gồm: Xây nhà tôn, sau đó sẽ xây gạch dần ở bên trong, cho đến khi thành hình căn nhà và phương án 2 là xây hẳn nhà gạch kiên cố.“Chỉ cần anh chỉ cho tôi xem thửa đất anh mua nằm ở đâu, tôi đứng ngay đó và điện thoại cho “anh em”. Khi “anh em” nói “OK”, coi như xong, lúc đó sẽ báo giá” - nhà thầu T.N.P quả quyết. Chúng tôi hẹn T.N.P mấy ngày sau sẽ trả lời phương án làm nhà và T.N.P đồng ý.
Mấy ngày sau đó, T.N.P chủ động gọi lại cho chúng tôi. Để thuyết phục chúng tôi, T.N.P đã “hé lộ” đường dây chung chi đi từ ấp lên xã, cùng với số tiền chi cho việc xây nhà trái phép. T.N.P bảo:“Việc anh xin làm nhà cấp 4, mấy anh em đã “OK” hết rồi đó. Giá làm nhà tường mất 220 triệu đồng - vì chỗ quen biết nên mới có giá đó. Số tiền này phải chi nhiều lắm, như chi cho anh T. 30 triệu đồng, anh N. 20 triệu đồng...”. Chưa hết, T.N.P còn hướng dẫn chúng tôi cách “bùa phép” nhà trái phép cho “an toàn” hơn (mặc dù đã chung chi như trên), bằng việc làm giả các giấy tờ liên quan đến mua bán đất, cất nhà trước tháng 5/2009 - là thời điểm theo quy định của UBND TPHCM là cho tồn tại nhà trái phép trong khu quy hoạch…
Theo ông N. - cán bộ quản lý trật tự xây dựng từng làm ở xã Bình Hưng: Việc “bùa phép” mà thầu T.N.P đề cập, là cách thức quen thuộc để hợp thức hoá những nhà xây không phép sau năm 2009 (bị đập dỡ), thành nhà sai phép (được sửa chữa dạng cấp 4). Theo đó, khi ngôi nhà được xây cất xong, sau một thời gian sinh sống, hợp đồng cung cấp điện của điện lực sẽ được cạo sửa lùi ngày ký hợp đồng thành… trước năm 2009. Sau đó hợp đồng cạo sửa này sẽ tiếp tục được ấp (khu phố) - nơi sinh sống xác nhận (kết hợp với xác nhận đăng ký thường trú), rồi trình lên UBND xã xin cấp số nhà chính thức. Và từ đó, UBND xã sẽ có văn bản đề xuất UBND huyện cấp số nhà cho ngôi nhà này. Các yếu tố trên sẽ tạo điều kiện cho những căn nhà xây trái phép được tồn tại mà không bị cưỡng chế, đập phá…
Thấy chúng tôi hoài nghi về cách làm này, ông N. khẳng định: “Cách làm này có một điểm yếu, đó là chỉ điều chỉnh ngày trên hợp đồng cung cấp điện do chủ hộ nắm giữ. Còn ngày hợp đồng được lưu trên công ty điện lực thì không thể thay đổi được. Chính vì vậy, nếu muốn biết nhà nào xây không phép trước năm 2009, thì chỉ cần đối chiếu hai bản hợp đồng trên là sẽ biết ngay”.
Để có thông tin đa chiều về những chuyện “lạ đời” trong công tác quản lý trật tự xây dựng đang diễn ra tại xã Bình Hưng, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc điện thoại để xin lịch làm việc với ông Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Nhịn - Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, nhưng đều bất thành vì cả hai đều không nghe máy, nhắn tin cũng không trả lời. Chúng tôi đã xuống UBND xã Bình Hưng để liên hệ trực tiếp, thì nơi đây yêu cầu phóng viên phải có cả 3 loại giấy tờ là: Giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và giấy chứng minh dân dân… Trước đề nghị của chúng tôi về nạn xây dựng nhà trái phép tràn lan ở địa phương, lãnh đạo xã Bình Hưng không hé lời.
Theo Lao động
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...