Tiền góp mua nhà cần bắt buộc ký gửi ngân hàng?


Các quy định của dự thảo luật chưa cân xứng giữa bảo vệ chủ đầu tư bất động sản và bảo vệ người mua bất động sản.


Tình trạng tham nhũng trong những dự án bất động sản vẫn đang diễn ra, nhưng vẫn chưa có nhiều chế tài để bảo vệ người mua nhà…

Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên và đưa ra giải pháp nhằm bảo về quyền của người mua nhà và kiểm soát tiền mua nhà của khách hàng tại phiên thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều ngày 24/10. Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 25/11 tới.

Quản lý tiền góp qua kênh ngân hàng

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), có một thực tế đang tồn tại nhưng dự thảo luật lần này chưa có hướng giải quyết, đó là tình trạng người dân góp tiền mua nhà và chờ đợi, nhưng mãi vẫn không thấy nhà. Nguyên nhân là vì cái cần thì không quy định, cái không cần thì bảo vệ.

“Ví như chuyện người dân phải góp bao nhiêu trước khi dự án được hoàn thiện thì ai cũng biết, nhưng số tiền góp đó được sử dụng thế nào thì chỉ có mình chủ đầu tư biết. Điều đó cho thấy một sự thật là không minh bạch”, ông Lịch bình luận.

Theo ông Lịch, vấn đề này đã được nêu tại điều 8, khoản 5 của dự thảo luật, tuy nhiên, vẫn còn lỗ hổng cho người ta lợi dụng, chiếm tiền của dân.

“Bởi vậy, tôi kiến nghị cần phải sửa lại điều này. Theo đó, cần có điều khoản góp vốn mua, thuê nhà ở hình thành trong tương lai, trong đó bắt buộc tiền góp phải được ký gửi tại một ngân hàng do chủ đầu tư quy định và ghi hợp đồng. Tiền chỉ được giải ngân cho công trình góp vốn, cấm dùng vào mục đích khác”, ông Lịch kiến nghị.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), cũng cho rằng mới xong phần móng đã thu 50-70% thì chủ đầu tư rất dễ dùng tiền góp vốn vào việc khác.

“Tôi nhất trí tăng giám sát của ngân hàng trong việc sử dụng tiền ứng trước của chủ đầu tư, trong đó có trách nhiệm giữa 3 bên: người mua, chủ đầu tư, ngân hàng. Cần có quy định chặt về đầu tư bất động sản để đảm bảo quyền của các bên tham gia”, ông Hùng bình luận.

Theo ông Hùng, cần phải chặt điều này bởi trong thời gian làm ngân hàng đã chứng kiến nhiều vụ tranh chấp của người mua nhà với chủ đầu tư vì huy động vốn cho dự án này nhưng tiền lại chảy đi đường khác, khiến công trình chậm tiến độ.

“Cần bổ sung chế tài quy định trách nhiệm ngân hàng trong trường hợp giải ngân cho chủ đầu tư không đúng mục đích, không phù hợp tiến độ dự án”, ông Hùng đề xuất.

Tại buổi thảo luận, góp ý cho dự thảo luật, một số đại biểu cũng nhất trí phải tăng cường giám sát, chế định việc sử dụng tiền góp vốn của người mua các dự án bất động sản hình thành trong tương lai. Ở các nước, việc mua bán bất động sản đều phải thông qua ngân hàng thương mại.

“Đấu tranh chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh bất động sản mà gạt vai trò của ngân hàng là không hợp lý”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

Bảo vệ bên mua

Tại phiên thảo luận này, một số đại biểu cũng cho rằng các quy định của dự thảo luật chưa cân xứng giữa bảo vệ chủ đầu tư bất động sản và bảo vệ người mua bất động sản.

“Nhiều chủ đầu tư thu tiền của dân nhưng bỏ hoang hóa dự án hàng chục năm, dân không có nhà, đất thành bãi cỏ hoang, nhà đầu tư không đóng tiền sử dụng đất, như vậy là lừa cả dân, lừa cả nhà nước”, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh.

Ông Đương cũng chỉ ra thiếu sót trong dự thảo luật lần này là quyền của người mua nhà chưa được đảm bảo, rất dễ bị lừa. Luật có nói trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo thỏa thuận thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền ứng trước  và các khoản thỏa thuận khác.

“Trong trường hợp bất động sản trầm lắng thì được. Trong trường hợp bất động sản tăng thì không thể hoàn trả như vậy được. Ví dụ tôi đóng 1 tỷ đồng nhưng trong nhiều năm chủ đầu tư không làm thì phải trả lại tôi tại thời điểm thanh toán đó là 2 tỷ đồng”, ông Đương ví dụ.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn rằng, quy định mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư được bán, cho thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai có nhiều rủi ro, dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua.


Theo BizLIVE

Bài viết mới nhất