Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Thu hút nhiều vốn ngoại

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-7-2015, cả nước có 1.068 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 6,92 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai với 15 dự án đăng ký mới và 7 dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. 

Theo các chuyên gia, dù trải qua thời gian thăng trầm kéo dài nhưng BĐS Việt Nam vẫn khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực BĐS Việt Nam thông qua nhiều hình thức. Đình đám nhất thời gian gần đây là Quỹ Đầu Tư Creed Group đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược lâu dài với An Gia Investment. Creed Group sẽ đầu tư 200 triệu USD vào An Gia, bao gồm 20 triệu USD mua lại cổ phần, 180 triệu USD còn lại sẽ đầu tư vào các dự án nhà ở với tỷ lệ 50% trên tổng vốn đầu tư dự án, nhằm cung cấp những dự án nhà ở “chất lượng Nhật Bản” tại TPHCM. Ông Nguyễn Bá Sáng - Tổng Giám đốc An Gia Investment cho biết: “Theo kế hoạch, đến năm 2020, An Gia Investment dự kiến đưa ra thị trường khoảng 10.000 căn hộ cao cấp tại trung tâm TPHCM. Hiện tại An Gia đang triển khai 4 dự án, gần 2.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. An Gia cũng đang đàm phán để mua lại 10 khu đất nằm ở các quận trung tâm có vị trí đắc địa như quận 2, 4, 7 và Tân Bình. Dự kiến tổng vốn đầu tư của các dự án này khoảng 1 tỷ USD. Việc ký kết với Quỹ Đầu Tư Creed Group sẽ mang lại cho An Gia Investment nguồn tài chính vững mạnh để triển khai dự án phù hợp xu hướng hội nhập sâu rộng”. Trước đó Creed Group cũng đã “bơm” vào một dự án trên đường Võ Văn Kiệt của Công ty cổ phần Đầu tư 577 với số tiền khoảng 100 triệu USD. 

Tại TPHCM, thời gian qua có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài “bơm” vốn vào các doanh nghiệp BĐS. Vinacapital đã “bơm” vào Novaland 15 triệu USD thuộc khoản đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD, để mua cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của Novaland. Hiện tại, Khang Điền là một trong số ít những doanh nghiệp BĐS đã kín room sở hữu của nước ngoài (49%). Danh sách các nhà đầu tư nước ngoài đang là cổ đông lớn của Khang Điền gồm: Vinacapital (sở hữu 21%), Dragon Capital (16%), Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM…

Một dự án bất động sản thu hút vốn ngoại tại quận 2 TPHCM. Ảnh: HẠNH NHUNG

Khách “ngoại” tăng theo

Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ Đầu Tư Creed Group, nhận định: “Thị trường BĐS tại một số thành phố lớn của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đang đàm phán gần xong hiệp định TPP, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế. Bên cạnh đó còn có những thuận lợi như dân số đông và trẻ, chủ yếu tập trung sống đô thị; quỹ nhà ở còn khiêm tốn; chính sách pháp luật thông thoáng đã mở cửa cho người nước ngoài mua nhà…”.

Thống kê từ các sàn giao dịch BĐS, từ đầu tháng 7-2015 đến nay khách hàng là người nước ngoài tăng lên đáng kể. Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Novaland, cho biết, mỗi tháng hệ thống sàn giao dịch của Novaland giao dịch thành công trên 300 căn hộ, trong đó khoảng 5% là khách có yếu tố nước ngoài (vợ hoặc chồng là người nước ngoài), 10% là Việt kiều. Công ty nghiên cứu thị trường CBRE nhận định, khách nước ngoài chủ yếu quan tâm đến những dự án cao cấp, có chất lượng sống cao, vị trí trung tâm, pháp lý đầy đủ và đặc biệt là uy tín của chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận định, bên cạnh những thuận lợi của quy định mới về việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, vẫn còn những quy định không cần thiết cần loại bỏ để những quy định mới thực sự phát huy trong thực tế. Ngoài ra các Nghị định, Thông tư chuẩn bị ban hành cần rõ ràng, dễ hiểu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như người mua nhà.

Theo Đỗ Trà Giang (sggp)

Bài viết mới nhất