Số phận gói 30 nghìn tỷ vẫn bị tắc
- 01/06/2016
- Tin tức thời sự
Vào ngày cuối cùng của thời điểm kết thúc việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 3955/NHNN-TD chỉ đạo các ngân hàng tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP cụ thể như sau: “Kể từ ngày 01/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và ngân hàng theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.”
Như vậy, các ngân hàng vẫn giải ngân cho người đã cam kết như “đúng quy định Thông tư 11”, tức là NHNN chưa tái cấp vốn lãi suất ưu đãi đối với khoản giải ngân này. Điều này đồng nghĩa với việc người mùa nhà sẽ phải trả cho ngân hàng với lãi suất thương mại thay vì lãi suất ưu đãi. Việc có được hưởng lãi suất ưu đãi hay không phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước đó vào tháng 3 trước thông báo của NHNN sẽ dừng tái cấp vốn cho gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sau ngày 31/5 đã gây ra một làn sóng tranh luận trong xã hội. Hầu hết ý kiến đều cho rằng NHNN nên tiếp tục tái cấp vốn với những hợp đồng đã cam kết cho vay theo gói 30 nghìn tỷ đồng. Nếu không được giải ngân theo gói này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình. Bởi vì lý do chính khiến họ mua nhà tại dự án nào đó là do được vay gói 30 nghìn tỷ với lãi suất 5%, nếu phải trả lãi suất thương mại thì chắc chắn họ sẽ không vay vì không thể trả được nợ. Cuối cùng những tiếng nói của người dân, sự truyền thông của báo chí cũng “đến tai” NHNN và Chính phủ. Tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng cuối tháng 3, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục giải ngân gói 30 nghìn tỷ. Tuy nhiên, phương án cụ thể thì vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình sau.
Theo thông tin của NHNN hiện ý kiến giữa các bộ (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, NHNN) vẫn chưa thống nhất phương án đối với việc giải ngân gói 30.000 tỷ. Cụ thể, Bộ Tài chính có ý kiến: Trong trường hợp đến 01/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng thì chỉ gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng cá nhân và thực hiện giải ngân hết số tiền tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó Bộ Xây dựng có ý kiến: Gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đối với tất cả các khách hàng (cả hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp) đã được cam kết vay vốn cho đến khi giải ngân hết lượng vốn đã cam kết.
Cuối cùng NHNN đã có Công văn số 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án gia hạn như sau: Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016; Dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN.
Như vậy, so với ý kiến của Bộ Tài chính thì đề xuất của NHNN “thoáng hơn”. Chẳng hạn sẽ giải ngân hết số vốn đã cam kết nhưng giới hạn thời điểm tối đa là 31/12/2016,thay vì chỉ hết số vốn 30 nghìn tỷ. So với Bộ xây dựng thì đề xuất của NHNN co hẹp lại, không có đối tượng doanh nghiệp và thời điểm cũng bị rút ngắn là trong năm 31/12/2016 thay vì vô hạn.
Rõ ràng với 2 đề xuất trên thì NHNN nhắm tới muốn Thủ tướng chọn phương án 1. Đây là một giải pháp tương đối “trung dung” trước 2 ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng và khó phù hợp với tình hình kinh tế, mong chờ của người dân. Có thể nói, nhiều khả năng những cá nhân, hộ gia đình sẽ tiếp tục được giải ngân với lãi suất ưu đãi của gói 30 nghìn tỷ là rất lớn. Tuy nhiên, trước mắt thì vẫn phải “tạm dừng” chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo CafeLand
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...