Sẽ thêm gói tín dụng cho nhà ở xã hội



Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với 1.700 căn hộ đang được triển khai xây dựng - Ảnh: Đình Dân

 

"Gói 30.000 tỉ đồng chỉ có ý nghĩa sau khi cứ qua sáu tháng chúng ta ngồi lại với nhau xem bao nhiêu hộ dân vào nhà ở được từ vốn vay này. Nói ban chỉ đạo giải quyết nhà ở cho dân mà người dân không có nhà để ở là mình có tội"

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải
 


Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2013 tổng giá trị tồn kho bất động sản trên 94.000 tỉ đồng, trong đó chiếm nhiều nhất là đất nền nhà ở, sau đó tới căn hộ chung cư, nhà thấp tầng và đất nền thương mại. So sánh số liệu tồn kho bất động sản đến hết tháng 12-2013 với các tháng trước cho thấy giá trị tồn kho bất động sản trên toàn quốc đã giảm trên 26%.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Hùng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng số liệu mà Bộ Xây dựng đưa vào báo cáo chưa sát thực tế, bởi hiện nay đang có một số lượng rất lớn dạng “tồn kho thứ cấp”, đó là hàng nghìn căn hộ chung cư, biệt thự, nhà ở liền kề trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng do các nhà đầu tư thứ cấp đã mua nhưng hiện nay đang không bán được, phải bỏ không hoặc để hoang hóa. “Đây là dạng tồn kho không hề nhỏ nhưng bộ chưa đưa vào danh sách để cho thấy bức tranh thực chất hơn về hàng tồn kho bất động sản hiện nay” - ông Hùng nêu.

Đáp lời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần nhìn nhận thị trường bất động sản hồi phục trên cả ba tiêu chí: giá cả bất động sản (chững lại), giao dịch (tăng lên) và hàng tồn kho bất động sản (giảm xuống). Trước băn khoăn của ông Hùng, ông Dũng thừa nhận số liệu tồn kho nói trên chỉ là tính riêng những sản phẩm chưa có giao dịch. Còn giao dịch thứ cấp sau đó tiếp tục tồn kho chưa được tính vào.

Liên quan tới gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, theo ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM, qua khảo sát tại TP.HCM có tới 20.000 hồ sơ có nhu cầu mua nhà ở xã hội, người mua chỉ có mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ông Tín cho rằng nếu trừ đi mức chi tiêu hằng ngày, người dân nếu hết sức tằn tiện chỉ dành dụm được 2-3 triệu đồng/tháng, cơ hội tiếp cận vay vốn mua nhà ở xã hội của những người dân trên là rất thấp. Ngoài ra, hiện nay thủ tục vay vốn, tài sản thế chấp để vay vốn rất phức tạp, do đó để trôi chảy cần có sự hài hòa ba bên doanh nghiệp - ngân hàng và người mua, dưới bàn tay điều phối của Nhà nước.

Đồng tình với phân tích trên, ông Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian tới cần làm rõ trách nhiệm của ba chủ thể địa phương - ngân hàng và doanh nghiệp, có vậy mới tháo gỡ nhanh được trong việc giải ngân gói tín dụng. Việc tỉ lệ giải ngân hiện nay chưa cao, ông Dũng cho rằng hiện nay số đăng ký vay đã vượt quá số nguồn cung nhà ở. Mặt khác do thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, các dự án dang dở, nhiều chủ đầu tư chưa lấy lại được uy tín nên các ngân hàng thương mại chưa mạnh dạn giải ngân để triển khai dự án. Theo ông Dũng, hiện Bộ Xây dựng đang đề xuất mở rộng đối tượng cho vay của gói tín dụng (thêm người dân vùng bão lũ, người dân vùng nông thôn, cán bộ, công chức thành thị...), tuy nhiên phải tính toán khống chế mức vay nhất định. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cơ cấu lại các dự án để có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hơn để tạo nguồn cung dồi dào.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tới đây Chính phủ sẽ có chính sách căn cơ về nhà ở xã hội. Ông Hải đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ Tài chính, Kế hoạch - đầu tư... xây dựng dự thảo một chính sách tín dụng riêng cho nhà ở xã hội. “Ở đây không phải cố định là 30.000 tỉ đồng gì cả, không nằm ở vấn đề về khối lượng vốn là bao nhiêu, mà cầu bao nhiêu thì đáp ứng bấy nhiêu. Đề nghị các đồng chí làm sớm cái đó” - ông Hải nêu rõ.

Phó thủ tướng cũng lưu ý cần đảm bảo việc đưa nhà ở xã hội vào quy hoạch lẫn với nhà ở thương mại khu đô thị để người nghèo được hưởng hạ tầng, tạo công bằng xã hội chứ không thể đẩy người nghèo ra xa, tạo thành các khu ổ chuột.
 

Quỹ nước ngoài muốn mua dự án “chết”

Đề cập về hàng tồn kho, đại diện Ngân hàng BIDV cho rằng ở những dự án nhà ở thương mại đình trệ, Chính phủ cần mạnh dạn cho phép chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội, hoặc mua lại dự án này sau đó chuyển đổi. Ngoài ra, theo vị đại diện này, hiện nay xuất hiện các quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua lại các dự án bất động sản bị “chết” trong nước. Do đó Chính phủ cũng cần nghiên cứu sớm có cơ chế để khai thông vốn cho thị trường, giải phóng bớt hàng tồn kho.

Theo Tuổi trẻ

Bài viết mới nhất