Sẽ có luồng tiền từ Đài Loan chảy vào địa ốc TP.HCM
- 22/07/2013
- Tin tức thời sự
Trong nửa đầu năm 2013, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến một số giao dịch mua bán bất động sản, với bên mua là các nhà đầu tư ngoại, như Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua Khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại Cao ốc văn phòng Centre Point với hơn 52 triệu USD hay Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ mua Cao ốc văn phòng Gemadept với giá trị khoảng 45 triệu USD.
Những thương vụ mua bán trên cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam lại có sức hút trở lại với một số nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho biết, số lượng yêu cầu đầu tư mà CBRE tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm đã tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này cho thấy, lượng vốn dồi dào vẫn hiện hữu trên thị trường.
“Làn sóng tìm kiếm cơ hội đầu tư vẫn tiếp tục trong những tháng còn lại của năm nay”, ông Marc Townsend dự báo.
Điểm nổi bật mới nhất trên thị trường được cả các công ty tư vấn uy tín, như CBRE và Savills xác nhận là có thể sẽ có luồng tiền từ Đài Loan đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, do những thay đổi về quy định pháp luật của vùng lãnh thổ này.
Theo đó, từ tháng 5/2013, các công ty bảo hiểm của Đài Loan (hiện đang quản lý 450 tỷ USD tiền vốn) sẽ được phép đầu tư mua bất động sản ở nước ngoài. Cho dù mỗi công ty không được phép đầu tư quá 10% vốn chủ sở hữu và không được phép vay mượn để mua bất động sản, nhưng theo nhận định của ông Joseph Lin, Giám đốc điều hành CBRE Đài Loan, nguồn vốn mà các công ty bảo hiểm Đài Loan có thể đầu tư lên đến 2,6 tỷ USD.
Theo nhận định chung, đầu tư vào bất động sản rất phù hợp với các công ty bảo hiểm Đài Loan, bởi đây là “cuộc chơi” dài hạn và đối với các dự án bất động sản thương mại chất lượng cao, có lượng khách thuê dồi dào, thì nguồn thu từ cho thuê dễ dự đoán. Từ đó, các công ty bảo hiểm có được một nguồn thu ổn định và dài hạn để đáp ứng nhu cầu chi trả cho các hợp đồng bảo hiểm.
Theo đánh giá của CBRE, tỷ suất doanh thu của các loại tài sản tại Đài Loan đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử, lượng tiền mặt đang ngày càng tăng lên và điều này đã mở đường cho xu hướng đầu tư vào bất động sản ở các thị trường bên ngoài vùng lãnh thổ này.
Các thành phố lớn ở nhiều nước phát triển, như London (Anh), Frankfurt (Đức), New York (Mỹ) và Toronto (Canada) đang thu hút sự quan tâm hàng đầu của dòng vốn này, nhưng TP.HCM cũng là một địa điểm có thể nhận được một phần của dòng vốn này.
Theo tiết lộ của ông Marc Townsend, TP.HCM là một trong 6 thành phố được các nhà đầu tư Đài Loan nhắm đến để đầu tư và một số nhóm nhà đầu tư đã và đang đẩy mạnh mức độ quan tâm của họ đến thị trường này.
Bên cạnh các nhà đầu tư Đài Loan, nhiều nhà đầu tư lâu năm đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn quan tâm và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Họ có thể mua bất động sản hiện có, cũng như tìm cơ hội phát triển các dự án, đặc biệt là phân khúc nhà ở.
Tuy nhiên, CBRE ghi nhận sự thay đổi rõ rệt trong chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Nếu như ở thời kỳ 2005-2008, nhiều dự án bất động sản được thực hiện dưới hình thức đầu tư trực tiếp và thông qua các quỹ đầu tư, như Indochina Land, VinaLand hay JSM Indochina Properties, thì từ năm nay, ngoài hình thức đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi từ hình thức góp quỹ sang hình thức nhóm liên kết các nhà đầu tư.
Tuy vậy, một số quỹ đầu tư cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại những dự án đang hoạt động bằng cách mua đứt hoặc tham gia liên doanh hiện có, cũng như tìm kiếm cơ hội thiết lập liên doanh mới.
Tiếp theo việc Quỹ Warburg Pincus công bố khoản đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail, Công ty Quản lý quỹ EXS Capital có trụ sở tại Hồng Kông cũng vừa công bố thương vụ đầu tư 35 triệu USD (để ngỏ khả năng có thể mở nâng vốn đầu tư lên tới 80 triệu USD) vào Sơn Kim Land - một công ty đang sở hữu 6 dự án bất động sản tại TP.HCM và Hà Nội. Được biết, một số quỹ đầu tư từ Trung Đông cũng đang nhòm ngó thị trường địa ốc Việt Nam.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc của Savills Việt Nam dự đoán, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, thông qua việc mua bán dự án, bởi vì họ nhìn thấy, thị trường bất động sản Việt Nam đang dần bước vào một chu kỳ hồi phục.
Nhận định này cũng nhận được sự đồng tình của ông Marc Townsend tại buổi thuyết trình với chủ đề “Hé mở con đường hồi phục” tổ chức mới đây tại Hà Nội và TP.HCM. Theo nhà tư vấn này, sau vài năm suy thoái, thị trường bất động sản Việt Nam đã cho thấy cơ hội và sự phục hồi, mà bằng chứng là giao dịch nhà ở đã phần nào sôi động hơn trong những tháng gần đây và đầu năm tới, thị trường nhà ở để bán sẽ nhích khỏi mức đáy. Giá văn phòng tại TP.HCM cũng đã ngừng hạ và có dấu hiệu tăng lên.
Tuy vậy, ông Marc Townsend cũng cảnh báo rằng, rào cản lớn nhất đối với dòng vốn ngoại chính là tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam còn thấp và nếu các vấn đề khác của thị trường, như thẩm định giá, cơ cấu hợp tác đầu tư... không được giải quyết, thì vẫn sẽ có nhà đầu tư rời khỏi thị trường Việt Nam, mà không hề rót tiền vào đây.
Theo Landtoday
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...