Quy hoạch "xóm nước đen" ở Nha Trang
- 23/05/2017
- Tin tức thời sự
Theo đề xuất quy hoạch khu dân cư Nam Nha Trang, đô thị mới này sẽ bảo đảm cho khoảng 26.700 người sinh sống. Để thực hiện quy hoạch sẽ giải tỏa khoảng 1.600 hộ dân.
Ô nhiễm trầm trọng
Hiện khu dân cư bờ Nam sông Cái thuộc các phường Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Phương Sài được đánh giá môi trường đô thị xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật rất thiếu thốn. Phía trong khu dân cư tồn tại 2 con sông nước đen kịt là Kim Bồng và Bà Vệ. Hai con sông này nối với sông Cái dài trên 3 km, chạy quanh khu dân cư nhưng không có đầu nguồn, giống như kênh cụt. Dọc 2 bên sông là dãy nhà chồ ọp ẹp. Hằng ngày, 2 con sông này hứng hầu như toàn bộ nước thải sinh hoạt, nhiều nhà dân dựng cả nhà vệ sinh ra sông, người dân còn vô tư xả rác khiến dòng sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành "xóm nước đen" của TP Nha Trang.
Ông Trần Văn Hòa (tổ 12, phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, có nhà bên sông Kim Bồng) thở dài: "Sông này phải gọi là sông rác mới đúng. Rác thải tấp thành lớp, mùa nắng bốc mùi hôi thối, mùa mưa nước và rác lùa vào nhà dân. Trước đây, xóm tôi ở gọi là "xóm Soi" vì chuyên đi soi (bắt) cá. Giờ sông ô nhiễm quá nên chẳng còn ai dám bắt cá dưới sông nữa".
Theo ông Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp, dọc sông Kim Bồng có khoảng 300 hộ dân sinh sống. Tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt tồn tại nhiều năm nay. Tháng nào phường cũng phải ra quân thu gom rác, khơi thông dòng chảy. Khu vực này cần được xây dựng bờ kè, cải tạo môi trường.
Sông Kim Bồng ô nhiễm nghiêm trọng sẽ được nạo vét xây dựng khu đô thị |
Phối cảnh khu đô thị dọc sông Cái và Bà Vệ
|
Trung tâm đô thị ven sông
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên của sông Cái, Kim Bồng, Bà Vệ cũng như cải tạo, sắp xếp lại, đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã mời Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu dân cư Nam sông Cái. Diện tích được nghiên cứu thiết kế trên 140 ha, trong đó đất khu dân cư khoảng 83 ha, số dân hiện trạng khoảng 12.000 người.
Theo đề xuất, dọc sông Cái, Kim Bồng, Bà Vệ sẽ hình thành trung tâm đô thị ven sông, có cầu nối với cồn Ngọc Thảo. Dọc sông Cái sẽ mở tuyến đường, hình thành quảng trường, công viên, bến thuyền, tổ hợp các nhà cao tầng, các dãy phố liền kề. Dọc sông Kim Bồng, Bà Vệ sẽ tạo hệ thống đường dạo, ngắm cảnh, xây dựng khu chung cư, dịch vụ, đan xen nhà ở thương mại… Sau khi thiết kế khu đô thị mới sẽ bảo đảm cho khoảng 26.700 người sinh sống.
Cũng theo đơn vị tư vấn thiết kế, để thực hiện quy hoạch này, khoảng 1.657 hộ dân bị giải tỏa hoàn toàn, trong đó, số hộ bị giải tỏa để đầu tư hạ tầng khoảng 1.107 hộ, phục vụ giao thông quy hoạch 446 hộ... Các hộ dân sẽ được tái định cư ở khu chung cư, khu tái định cư. Kinh phí đầu tư xây dựng công trình công cộng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và xã hội gần 1.500 tỉ đồng.
Về đề xuất quy hoạch trên, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia điều tra kỹ thực tế trong khu vực quy hoạch; giải quyết các vấn đề thoát lũ, dải đô thị ven sông để phát triển du lịch, giao thông kết nối các khu vực lân cận...
Đừng xây thêm bức tường thứ hai
Góp ý về đề xuất quy hoạch mới này, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc thiết kế không gian đô thị với nhiều khối nhà cao tầng dọc bờ sông là không phù hợp. Sông Cái rất quan trọng với TP Nha Trang, đây là nơi lưu thông, điều hòa không khí tự nhiên, không nên tạo thành vách ngăn bằng các khối nhà.
Đồng quan điểm, Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng bố trí các cao ốc nằm sát nhau tạo cảm giác "ngộp". Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị cần nghiên cứu mở sông Kim Bồng (đoạn đường 23-10) thông với sông Quán Trường gần đó để nước được lưu thông.
Còn UBND TP Nha Trang cho rằng cần tính toán phương án bố trí tái định cư cho người dân; bố trí lại giao thông phù hợp với quy hoạch chung cũng như kết nối với các khu vực lân cận.
Theo NLĐ
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...