Quận ven Sài Gòn cảnh báo nạn lừa mua bán nhà đất qua vi bằng

Thông báo của quận 12 được đăng tải công khai trên website chính thức của UBND quận, nêu rõ thời gian qua trên địa bàn xuất hiện nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại.

Việc này nhằm mua, bán những căn nhà "ba chung" (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà). Đồng thời, việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người; chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

Thông qua việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức vi bằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi.

Với những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay, để tăng sự tin tưởng, các đối tượng này nhờ các văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Nhiều nạn nhân "dính" vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn.

Nhà chung sổ hồng tại quận 12 được chào bán trên chợ địa ốc trực tuyến. Ảnh: 5home.asia

Nhà chung sổ hồng tại quận 12 được chào bán trên chợ địa ốc trực tuyến. Ảnh: 5home.asia

Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (trong đó có nhà ở, nhà ở thương mại) phải được công chứng, chứng thực theo quy định.

Vi bằng do Thừa phát lại lập chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp luật khác. Theo Điều 25 Nghị định 135 ban hành ngày 18/10/2013, Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh nơi đặt văn phòng Thừa phát lại. UBND quận 12 liệt kê chi tiết các trường hợp cụ thể có thể lập vi bằng để người dân nắm rõ.

Chẳng hạn các trường hợp xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; hiện trạng nhà trước khi cho thuê nhà hoặc mua; tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật, tài sản trước khi ly hôn, thừa kế; xác nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại.

Vi bằng cũng có thể lập để xác nhận việc giao hàng kém chất lượng; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông; xác nhận mức độ ô nhiễm; sự chậm trễ trong thi công công trình; tình trạng công trình khi nghiệm thu.

Ngoài ra, vi bằng có thể được lập để xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp...

Theo khoản 5 Điều 26 Nghị định số 135, Sở Tư pháp có quyền từ chối vi bằng do văn phòng Thừa phát lại lập. Vi bằng bị từ chối sẽ không có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; không là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, UBND quận 12 kêu gọi người dân không mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để tạo lòng tin, lừa đảo mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch.

Quận 12 cũng giải thích thêm, có 3 lý do người dân không nên mua bán, chuyển nhượng nhà đất theo hình thức lập vi bằng. Thứ nhất, vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực theo quy định. Thứ hai, vi bằng không chứng nhận, xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất... Thứ ba, việc lập vi bằng mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức ghi nhận việc giao nhận nền đất hay ghi nhận việc giao nhận tiền là để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trước đó, hồi năm 2017, một huyện vùng ven Sài Gòn là Hóc Môn cũng từng phát cảnh báo nạn lừa bán nhà đất bằng giấy tay qua hình thức lập vi bằng đối với loại nhà "3 chung" trên địa bàn.

Hà Thanh

Bài viết mới nhất