Phạt đến 20 triệu đồng nếu thi công gây nứt nhà lân cận
- 24/02/2014
- Tin tức thời sự
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 02/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Thi công công trình xây dựng mà gây lún, nứt công trình lân cận sẽ bị xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại theo quy định (Ảnh minh họa)
Theo đó, xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng nếu đang xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Cùng lỗi này sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng khi thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; hoặc phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng khi xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn.
Cùng với mức phạt trên, sẽ áp dụng phạt ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại. Về thủ tục bồi thường thiệt hại, sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch UBND xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại.
Trong trường hợp hai bên thỏa thuận không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 7 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả;
Trong thời hạn 7 ngày mà một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần hai, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và lần 2;
Sau 30 ngày mà tổ chức giám định không cung cấp kết quả giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định sử dụng kết quả giám định ban đầu làm cơ sở xác định bồi thường thiệt hại. Bên gây thiệt hại có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và chuyển đầy đủ số tiền bồi thường theo kết quả giám định vào tài khoản đó. Sau khi bên gây thiệt hại đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cho phép tiếp tục thi công xây dựng công trình.
Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Cũng theo quy định tại Thông tư 02 này, trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...