Phải có 16m2 nhà mới được nhập khẩu: Dân sẽ lách luật?


Và để có một tấm hộ khẩu thành phố, nhiều người sẽ tính tới chuyện lách luật để đạt mục đích. Tuy nhiên, đến lúc đó, chính quyền lại phải đối mặt với thách thức mới về quản lý và an sinh xã hội...

Cơ sở nào để quy định 16m2?

Nhiều người, đặc biệt là dân nghèo, người thu nhập thấp đang sinh sống và làm việc tại TP HCM tỏ ra lo lắng trước mong muốn nhập khẩu để trở thành công dân của thành phố này.

Bởi lẽ, theo đề xuất của Sở Xây dựng TP HCM, một trong những điều kiện để nhập khẩu thành phố là phải có diện tích sàn nhà ở mức 16m2/người, cao hơn ba lần so với quy định hiện tại là 5m2/người. Nhiều người cho rằng, việc thực hiện theo chuẩn cũ đã khiến nhiều người đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM gặp khó khăn, nay tăng lên như thế lại khó hơn gấp bội. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước lại có cái lý riêng.

Theo Sở Xây dựng, đơn vị dự thảo tờ trình này, thì diện tích nhà ở bình quân để cá nhân được đăng ký thường trú thuộc trường hợp thuê mướn, ở nhờ tại TP.HCM trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015 sẽ là 16 - 17m2/người. Sở dĩ có nội dung này là chính quyền TP đang thực hiện Nghị định của Chính phủ về thực hiện luật Cư trú sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua. Theo Nghị định này thì đối với nhà ở, nhà khách tại các thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường về điều kiện diện tích bình quân, bảo đảm theo quy định của HĐND thành phố đó. Đồng thời, người cho thuê, mượn, cho ở nhờ phải đồng ý bằng văn bản thì người thuê, mượn mới được nhập khẩu.

Một lãnh đạo sở Xây dựng TP HCM cho hay, sau khi lấy ý kiến một số sở, ngành, sở Xây dựng quyết định lấy diện tích tối thiểu là 16m2, con số này hoàn toàn có cơ sở. Bởi, theo khảo sát mới đây của sở, tổng diện tích xây dựng bình quân hiện nay đã đạt 16,4m2/người, mục tiêu đến năm sau, TP. phấn đấu tiêu chí xây dựng đạt 39 triệu m2 và nhà ở mức bình quân là 17m2. Điều này cũng đã được đại hội Đảng bộ TP.HCM đưa vào Nghị quyết. Như vậy, con số 16m2 là có cơ sở và bám sát với thực tế.

Từ cơ sở trên, trong tờ trình mới, sở Xây dựng chia hai khu vực để làm điều kiện nhập khẩu. Cụ thể, khu vực một gồm 19 quận có mật độ dân cư cao, muốn nhập hộ khẩu phải có diện tích nhà ở bình quân 16m2/người. Khu vực hai gồm các địa phương có mật độ dân cư thấp, diện tích ở tối thiểu là 8m2/người. Chiếu theo đề xuất mới này, một gia đình gồm hai vợ chồng và hai con ở khu vực 19 quận cần phải có 64m2 mới có khả năng nhập khẩu vào đô thị lớn nhất phía Nam. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với các đối tượng thuê mướn, ở nhờ. Những người nhập khẩu theo trực hệ (ông, bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, con ruột, cô dì chú bác ruột) thì không tính theo diện tích sàn bình quân theo chuẩn 16m2/người.

Sẽ có bao nhiêu người được nhập khẩu vào TP.HCM nếu áp dụng diện tích sàn nhà ở 16m2/người?

Lách luật và tạo ra thách thức mới

Theo đó, với những trường hợp thuộc trực hệ thì chỉ tính diện tích sàn cho một người. Nghĩa là chủ hộ chỉ cần sở hữu 16m2, là có thể bảo lãnh cho những người trong trực hệ nhập theo. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ dẫn tới những trường hợp lách luật và hình thành nên những ngôi nhà ổ chuột trong lòng thành phố với đông người ở. ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc một công ty xây dựng Q.12 chia sẻ, nếu chiếu theo quy định như vậy thì chỉ cần sở hữu một căn nhà khoảng 50m2, tôi sẽ nhập cho mình trước, sau đó sẽ bảo lãnh cho vợ con, những người trong trực hệ khác nhập theo.

Nếu một gia đình đầy đủ hai vợ chồng, hai con cùng cha mẹ tôi, thì đã có tới sáu người trong căn nhà có diện tích 50m2. Như vậy, bình quân chỉ có khoảng hơn 8m2/nhân khẩu. Đó là chưa kể cho cô dì, chú bác ở nhờ... Như vậy quy định mỗi người phải có 16m2 nhà ở lúc này sẽ trở nên vô nghĩa.

Theo thống kê của Công an TP.HCM, tính đến thời điểm này, địa phương có gần 540 ngàn hộ tạm trú với trên 2,2 triệu nhân khẩu. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đề xuất ý tưởng sử dụng quy chuẩn sàn nhà ở để làm điều kiện nhập khẩu vào TP. HCM  là chưa thỏa đáng.

Việc hạn chế nhập hộ khẩu vào khu vực trung tâm TP là việc nên làm đối với TP HCM trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nếu sử dụng biện pháp hành chính thì rất khó cả về phương diện thực hiện lẫn phương diện giải quyết. Dù gì thì người nhập cư vẫn sẽ bám trụ vào khu vực này vì việc làm, học hành... Tới lúc đó, chính quyền lại phải đối mặt với thách thức mới cần phải giải quyết. Do vậy, cơ quan chức năng thành phố cần bình tĩnh đánh giá lại phương án này để tìm biện pháp khả thi hơn.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bình Phương, một chuyên gia bất động sản tại TP.HCM cho hay, việc cộng bình quân diện tích nhà ở trên địa bàn thành phố rồi tính ra con số 16 - 17m2/người và cho rằng đó chính là cơ sở thực tế, theo tôi là chưa thỏa đáng. "Thực tế, tại TP.HCM có nhiều người thuộc diện thu nhập thấp, người lao động nhập cư ở trong những căn nhà tạm, diện tích nhỏ nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều người sở hữu rất diện tích nhà ở rất lớn. Do vậy, nếu căn cứ vào diện tích xây dựng chia bình quân để áp mỗi người phải có 16m2 nhà ở mới được nhập khẩu thì có quá máy móc hay không?", bà Phương nêu ý kiến.

Theo bà Phương, chính quyền thành phố, đặc biệt là sở Xây dựng nên tính toán lại cho hợp lý, không để chuẩn quá thấp như hiện nay, nhưng cũng đừng quá cao như đề xuất trong tờ trình nói trên để mọi người có cơ hội được tiếp cận với các phúc lợi xã hội khi họ được nhập khẩu vào thành phố. Đây cũng là cách để TP.HCM huy động được nguồn lực to lớn về nhân lực, khi ngày càng có nhiều người đổ về đây sinh sống và làm việc. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thì quy định trên nhằm giảm áp lực dân số nhập cư vào khu vực trung tâm thành phố, nhưng vẫn cần tính toán lại. Đặc biệt là ghi nhận những đóng góp của những người nhập cư trong sự phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua.

Đối tượng nào được nhập khẩu vào TP HCM?

Theo quy định hiện hành, muốn nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương, người dân phải hội đủ các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp, đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP (TP.HCM đang áp dụng 5m2/người). Bên cạnh đó, phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trong thời gian một năm đối với các trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã và hai năm đối với các quận (căn cứ vào sổ tạm trú).


Theo Pháp luật & Đời sống

Bài viết mới nhất