Phá nát vịnh Nha Trang.

Cấp phép... lấp biển

Năm 1999, dự án đường Trần Phú nối dài (nay là đường Phạm Văn Đồng) thuộc P.Vĩnh Hòa được khởi công nhằm đánh thức tiềm năng du lịch khu vực biển Bãi Tiên, TP.Nha Trang. Ngay thời điểm này, nhiều đại gia bất động sản đã nhắm đến các vị trí “đất vàng” tại đây và không lâu sau khi đường thông tuyến, nhiều dự án du lịch đã được cấp phép ở các bãi biển dọc tuyến đường. Chủ các dự án nhanh chóng giăng dây, dựng tường chắn dọc bờ biển hàng cây số.  Mười năm sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, hình ảnh mà người dân quen nhìn thấy chính là những đoàn xe hạng nặng đua nhau chở đất, đá lấp biển để tạo mặt bằng làm dự án.

 Vịnh Nha Trang
 Quá trình xây dựng các dự án ngầm trên bãi biển đã ít nhiều tác động đến cảnh quan vịnh Nha Trang - Ảnh: Hiền Lương

Hiện nay dọc bờ biển phía bắc TP.Nha Trang có cả chục dự án được cấp phép, trong đó phân nửa đã đi vào hoạt động, số còn lại đang thi công hoặc đã đổ đất tạo mặt bằng. Dù hiệu quả chưa ai đo đếm được, nhưng tất cả đều có điểm chung là đang làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang, khi có trên 100 ha bờ biển bị san lấp, mở rộng.

Tại dự án Khu du lịch sinh thái Vân Đăng, do Công ty CP Hồng Hải làm chủ đầu tư, từ nhiều năm nay chủ đầu tư đã đổ hàng chục ngàn mét khối đất, đá xuống biển, mục đích lấn biển thực hiện dự án. Dự án được phê duyệt có tổng diện tích gần 35 ha, nhưng trong đó đến 22,5 ha diện tích mặt biển. Ngoài Vân Đăng còn có các dự án lấp biển tầm cỡ như dự án Khu dân cư Đường Đệ (30 ha); Khu du lịch Sông Lô lấn biển hơn 5 ha; dự án Khu dân cư An Viên nằm phía nam Cầu Đá, toàn bộ vùng vịnh Nha Trang rộng hơn 56 ha nằm gần cửa sông Tắc (Quán Trường) đã bị san lấp… Ngoài ra, hàng loạt dự án như Hoàng Lan, Biển Ngọc, Hải Đăng…, với quy mô hàng chục ngàn mét vuông đã được xây dựng và đi vào hoạt động hoặc đang chờ xây dựng.

Nói như ông Bùi Dũng, Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa: “Không hiểu sao các doanh nghiệp Việt Nam lại thích lấp biển đến thế?".

Không cấp cũng... lấp

Bên cạnh các dự án được cấp phép lấp biển kể trên là những dự án không được cấp phép cũng tranh thủ lấp biển. Đơn cử vào tháng 11.2011, dư luận bức xúc trước việc Công ty TNHH thương mại và du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) tự ý tổ chức thi công lấp vịnh Nha Trang làm công viên bến du thuyền quốc tế tại khu vực biển trên đường Phạm Văn Đồng (P.Vĩnh Hòa). Sau đó, công ty trên đã bị Sở TN-MT tỉnh đình chỉ thi công, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt mức 200 -300 triệu đồng vì vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ bị Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa xử phạt 25 triệu đồng về hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đến nay, số đất đá san lấp vịnh Nha Trang vẫn còn đó, chưa được hoàn trả.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 6.2013, dù chưa được cấp phép nhưng chi nhánh DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - khách sạn Mường Thanh Nha Trang, thuộc Tập đoàn Mường Thanh (gọi tắt là chi nhánh Mường Thanh Nha Trang) cũng ngang nhiên đào, lấp khu vực biển Hòn Một, P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang để làm bãi tắm. Tại đây, bờ biển bị đào bới, hàng ngàn khối san hô (cả san hô sống) lẫn đá cuội bị móc khỏi đáy biển, chất thành đống cao. Sau khi sự việc xảy ra, Sở TN-MT Khánh Hòa có văn bản yêu cầu phía Mường Thanh dừng việc lấp biển; đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua sự việc vẫn chưa có kết quả.

Việc san lấp vịnh Nha Trang sẽ để lại nhiều hậu quả xấu, nhưng dường như tỉnh Khánh Hòa chưa có những giải pháp mạnh tay để hạn chế.

Dự án ngầm đã "lồi"

Chưa hết lo ngại vì việc cấp phép triển khai 4 dự án ngầm (chưa có bờ biển nào trên cả nước có dự án ngầm) trên bờ biển Nha Trang, dư luận lại "bổ ngửa" khi tại một dự án ngầm bỗng "lồi" lên một ngôi nhà. Cụ thể, 4 dự án ngầm tại công viên bờ biển Nha Trang đang và sắp triển khai gồm: dự án Nha Trang Sao; dự án Công viên Phù Đổng và 2 dự án còn lại được thi công trên diện tích nhà hàng Bốn Mùa cũ. Trong 4 dự án nói trên, dự án của Công ty CP Hải Vân Nam chi nhánh Nha Trang làm chủ đầu tư tại nhà hàng Bốn Mùa có điểm nổi bật là có hệ thống một đường hầm nối từ khách sạn Nha Trang Plaza đi ngầm bên dưới đường Trần Phú rồi ra biển. Hiện nay dự án này cơ bản đã hoàn thành. Nhưng điều đáng nói là dự án ngầm này đã lồi lên khỏi mặt đất khoảng 10 m, vi phạm thiết kế ban đầu.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu tỉnh Khánh Hòa thực hiện đúng với thiết kế nhưng công trình này vẫn "lồi" lên một cách khó hiểu. Tại cuộc họp báo mới đây, trả lời câu hỏi của Thanh Niên vì sao lại có ngôi nhà lồi lên một cách kỳ quặc ngay tại bờ biển Nha Trang, ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND chỉ trả lời: “Chúng tôi đang chờ kết luận của Thủ tướng sau khi các bộ ngành trung ương tham mưu về vấn đề này”. 

Tiếp tục bít tầm nhìn du khách

Dự án chắn biển có thâm niên nhất tại Nha Trang là khu nghỉ mát Ana Mandara với  diện tích 26.000 m2, đến năm 2022 mới hết hạn thuê đất. Quy mô lớn như vậy, hàng chục năm qua công trình này đã che chắn bờ biển Nha Trang đến hàng trăm mét. Năm 2011, với quyết tâm làm thông thoáng bờ biển, tỉnh Khánh Hòa đã thỏa thuận di dời dự án Ana Mandara trước năm 2015, dù phải đổi cái giá không nhỏ là hoán đổi 20 ha đất tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (thuộc H.Cam Lâm) cho chủ Ana Mandara.

Thế nhưng, đến nay chủ trương này vẫn chưa thực hiện được thì tỉnh Khánh Hòa lại đồng ý quy hoạch xây dựng  dự án công viên bờ biển Phù Đổng, với diện tích lên đến 24.000 m2 do Công ty du lịch Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Dự án này đã án ngữ biển Nha Trang cả nửa cây số. Đáng nói là trước đó, năm 2011, dự án này cũng nằm trong “tầm ngắm” chỉnh trang làm thoáng biển, nhưng nay không hiểu vì sao tỉnh lại cấp phép xây dựng nơi đây thành khu trung tâm thương mại, bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng... Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, để tránh che khuất tầm nhìn, các dự án tại khu vực công viên Phù Đổng sẽ được hạn chế độ cao xây dựng không quá 8 m từ mặt đất (!?).

 

Hiền Lương - Nguyễn Chung (Thanh Niên)

Bài viết mới nhất