Phá băng thị trường bất động sản: Nhanh chóng hỗ trợ tối đa thủ tục pháp lý

Đây là nhận xét của TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Ông cho rằng cần phải đánh giá rõ giá đất còn bong bóng hay không? Gần nhà ông có một căn biệt thự vừa được bán với giá 45 tỉ đồng, nhưng giá cho thuê chỉ 5.000 USD/tháng (60.000 USD/năm). Nếu mua biệt thự này về sinh lời, phải mất đến 35 năm mới thu hồi vốn, nghĩa là bong bóng giá vẫn còn.

Tiếp tục khó khăn

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM Lê Hoàng Châu nhận xét những khó khăn của ngành BĐS năm 2013 đến nay vẫn còn kéo qua năm 2014 và gần như chưa cải thiện được nhiều. Gần 10.000 doanh nghiệp (DN) trong ngành xây dựng đã phá sản, ngừng hoạt động trong năm qua và phần lớn là DN BĐS. Các vấn đề về hàng tồn kho, nợ xấu… vẫn là khó khăn lớn của DN. Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường ban hành đầu năm 2013 đến nay tác dụng lan tỏa chưa nhiều, ngay gói 30.000 tỉ đồng cho vay DN và người mua nhà với lãi suất ưu đãi tốc độ giải ngân cũng rất chậm.

Cần nhanh chóng hỗ trợ tối đa thủ tục pháp lý để doanh nghiệp bất động sản thuận lợi hơn trong việc kinh doanh Ảnh: Hồng Thúy

Theo các DN BĐS, số lượng DN gặp khó phải “dừng cuộc chơi” trong năm nay sẽ còn tiếp tục. Trong khi đó, việc xét duyệt chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ còn quá chậm, nhiêu khê. Tính đến giữa tháng 1-2014, tại TP HCM chỉ 1 DN có dự án nhà ở xã hội được khởi động. Số lượng căn hộ thương mại được chia nhỏ theo đề xuất của DN không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc  Đất Lành, cho biết: Đất Lành có 15 căn hộ diện tích lớn xin chuyển thành 38 căn diện tích nhỏ khoảng 50 m2 mà giải quyết hơn 2 năm chưa được. Việc chậm chuyển đổi căn hộ diện tích lớn sang diện tích nhỏ đang gây thiệt hại lớn cho nhiều DN. Có dự án mỗi ngày phải trả 200 triệu đồng lãi vay ngân hàng (NH), một tháng mất đứt 6 tỉ đồng tiền lãi vay NH, trong khi nguồn thu vào từ việc bán căn hộ lại bị đóng băng khiến DN sắp kiệt sức. “Lẽ ra nhà nước phải nhanh chóng hỗ trợ tối đa về thủ tục pháp lý để DN vượt qua khó khăn. Trong khi Bộ Xây dựng đã đồng ý chủ trương chia nhỏ căn hộ nhưng các địa phương lại triển khai quá chậm và khắt khe” - ông Đực nói.

Gói tín dụng 100.000 tỉ cho BĐS

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết để giải quyết câu chuyện về thị trường BĐS, hiện đang có phương án là 4 NH quốc doanh liên kết với NH TMCP Xây dựng, do NH Xây dựng làm đầu mối thành lập gói tín dụng từ 70.000 - 100.000 tỉ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và nhà ở cho người thu nhập trung bình. Với gói này, không cần phải căn hộ mới mà cả những người có nhà ở chật hẹp cần sửa chữa, nâng cấp cũng được vay… Nếu gói tín dụng này được triển khai, có thể việc phục hồi thị trường xây dựng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch cho rằng NH Nhà nước cần có kỷ luật chặt chẽ đối với các tài sản thế chấp bằng BĐS của DN. Mọi tài sản thế chấp bằng BĐS trước đây nâng giá lên bao nhiêu không quan trọng, nay đến hạn tất toán cần phải phát mãi công khai với bất kỳ giá nào. Đồng thời, Chính phủ cần có ban chỉ đạo về BĐS, bởi nói về thị trường BĐS cần phải hiểu gồm thị trường mua bán chuyển nhượng, cho thuê và thế chấp. Nay thị trường thế chấp bị nghẽn, thị trường cho thuê không gắn với chuyển nhượng tạo thành những méo mó. Và để xử lý những méo mó này cần phải có cả hệ thống chính sách.

Vũ Phong (Người lao động)

Bài viết mới nhất