Nới Tân Sơn Nhất, xây sân bay Long Thành
- 03/03/2014
- Tin tức thời sự
Theo đề án của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng đối với các hạng mục nhà ga hành khách nội địa và quốc tế; xây dựng thêm các vị trí đỗ máy bay và đường lăn (đường dẫn máy bay từ sân đỗ ra đường băng).
Nới Tân Sơn Nhất để giải quyết nạn quá tải trước mắt
Cụ thể, nhà ga hành khách nội địa sẽ được nối dài để tăng năng lực phục vụ thêm 3 triệu hành khách/năm, đạt công suất 13 triệu khách/năm. Nhà ga quốc tế được mở rộng cánh phải và cánh trái để tăng thêm 40 quầy làm thủ tục, nâng công suất phục vụ hiện tại từ 8-10 triệu khách lên 13 triệu hành khách/năm. Như vậy, khi mở rộng cả 2 nhà ga hành khách, năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được tăng thêm 6 triệu hành khách/năm, tức là đạt sản lượng 26 triệu hành khách/năm, đúng như thiết kế đã phê duyệt theo quy hoạch.
Để phục vụ được sản lượng khách như trên, sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng thêm khoảng 20 vị trí đỗ máy bay. Ngoài tận dụng tối đa diện tích hiện có, cần phải lấy thêm một phần diện tích đất quốc phòng vì sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay dùng chung cho cả mục đích hàng không dân dụng và quân sự. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao diện tích đất 7,63 ha để xây dựng 21 vị trí đỗ máy bay mà không ảnh hưởng đến hoạt động bay của Quân chủng Phòng không.
Đối với hạng mục đường lăn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất hạ cánh nhưng chỉ có duy nhất một đường cho máy bay di chuyển 2 chiều ra đường băng. Đây được ví là “nút cổ chai” của sân bay Tân Sơn Nhất. Vào những ngày cao điểm, máy bay đi từ Tân Sơn Nhất phải xếp hàng trong sân đỗ chờ “nút cổ chai” thông thoáng mới ra được đường băng. Tương tự, máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất dù đúng giờ cũng phải đỗ lại ở vị trí đài không lưu cũ, chờ từ 5-10 phút mới có đường vào sân ga trả khách. Do đó muốn giải tỏa hiện tượng tắc nghẽn này, ACV có kế hoạch xây một đường lăn song song với đường lăn hiện tại để máy bay có đường vào/ra riêng biệt.
Vốn đầu tư cho đề án này sẽ do ACV tự huy động, không lấy từ ngân sách nhà nước.
Việc xây sân bay Long Thành là chiến lược lâu dài
Dư luận đặt câu hỏi Chính phủ đang đề xuất Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai), tại sao còn mở rộng Tân Sơn Nhất?
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, cho biết việc mở rộng Tân Sơn Nhất là thực hiện đầu tư phân kỳ theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất cực đại 26 triệu lượt hành khách/năm. Vào năm 2013, Tân Sơn Nhất đã đón hơn 20 triệu lượt khách. Hai tháng đầu năm nay, thị trường hàng không tiếp tục tăng cao ở con số 23%. Chỉ đến năm 2015, Tân Sơn Nhất sẽ quá tải ngay cả khi đã được mở công suất cực đại theo thiết kế. Trong khi đó, dự kiến sân bay Long Thành nếu sớm được thông qua chủ trương đầu tư cũng phải 10 năm nữa mới đi vào hoạt động. Vì vậy, phải mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đúng quy hoạch để giải quyết ngay vấn đề trước mắt, còn việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là vấn đề mang tính chiến lược để phục vụ phát triển vùng kinh tế chiến lược phía Nam.
Ông Thanh cho biết thêm: Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề án Chính phủ vừa đồng ý, thực chất là đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt, không phải phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thay cho việc xây dựng sân bay Long Thành.
Trước đó, khi trình đề án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra 3 phương án so sánh, bao gồm xây dựng sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư 7,7 tỉ USD; nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 9,1 tỉ USD (do phải đền bù, giải phóng mặt bằng khi lấy vào đất đô thị) và nâng cấp căn cứ không quân Biên Hòa.
Hai đề xuất Các phương án phát triển hàng không Việt Nam liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành luôn được nhiều ý kiến tham gia phản biện sôi nổi trong vài năm gần đây khi kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn và ACV đưa ra phương án xây dựng sân bay Long Thành gấp rút vì lượng hành khách tăng quá nhanh và khó mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án sân bay Long Thành (chiếm trên 25.000 ha đất, vốn đầu tư gần 8 tỉ USD) với các mục tiêu kỳ vọng khá lớn, quy mô 80 đến 100 triệu lượt hành khách năm (sân bay lớn nhất thế giới hiện nay của Mỹ cũng chỉ ở con số 80 triệu hành khách/năm, sân bay lớn thứ hai là Bắc Kinh - Trung Quốc chỉ 70 triệu khách/năm)... Các ý kiến chưa đồng ý làm sân bay Long Thành thường tập trung ở vốn đầu tư quá lớn trong điều kiện kinh tế cả nước đang khó khăn, do hiệu quả không cao nên khó thực hiện các hình thức BOT hoặc PPP và vay vốn nước ngoài; số lượng hành khách tăng trưởng theo quy hoạch của ngành hàng không quá lạc quan... Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất còn có điều kiện mở rộng nếu thu hồi một số diện tích đất, đặc biệt việc xây dựng một sân golf trên 150 ha ngay trong khu vực sân bay này gây nhiều dư luận bất bình. Hiện nay, Hội đồng Thẩm định Nhà nước vẫn đang tiếp tục thẩm định lần thứ hai dự án sân bay Long Thành và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đón thêm 6 triệu khách/năm, nâng công suất lên 26 triệu hành khách/năm. Xung quanh vấn đề này, xin có ý kiến như sau: Mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất ngay trong năm 2014 là rất cần thiết và hiệu quả cao, dễ có sự đồng tình. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải nên nghiên cứu thêm phương án mở rộng tối đa (thậm chí xin ý kiến Chính phủ dừng và thu hồi đất dự án sân golf); hiện đại hóa, nâng cao năng lực quản lý, điều hành để tăng công suất khai thác theo trình độ các sân bay trung bình trên thế giới. Nếu làm được các việc này, Tân Sơn Nhất vẫn có khả năng đón nhận không dưới 35 triệu khách/năm. Về dự án sân bay Long Thành, nên tính thêm các kịch bản rủi ro về số lượng hành khách trong mối tương quan giữa các sân bay quốc tế trung chuyển trong khu vực và thế giới, nên kéo dài tiến độ các giai đoạn, cụ thể giai đoạn I nên từ năm 2017 đến 2027 và giai đoạn II từ năm 2027 đến 2035 để chúng ta có đủ thời gian nghiên cứu, khai thác hết tiềm năng sân bay Tân Sơn Nhất, đánh giá chính xác nhu cầu vận chuyển và tìm nguồn tài chính khả thi tài trợ cho dự án. TS Phạm Sanh |
Tô Hà (Người lao động)
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...