Những chính sách khiến dân bất động sản mừng hụt
- 30/05/2013
- Tin tức thời sự
Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua chưa đủ mạnh để tác động đến thị trường bất động sản. Ảnh: Nguyên Khôi
Đầu tháng 5, UBND Hà Nội đã có quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân mua căn hộ chung cư mini tại Hà Nội. Theo đó, dự án chung cư mini sẽ được cấp sổ đỏ nếu đảm bảo các yêu cầu sau đây: Có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp, có quy hoạch 1/500. Các dự án này được cấp giấy chứng nhận với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung.
Chung cư mini được định nghĩa là nhà có từ hai tầng trở lên, mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế xây dựng theo kiểu khép kín, diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu 30m2. |
Tuy nhiên, những người kinh doanh và cả người mua chung cư mini đã một phen mừng hụt khi mà trên thực tế các dự án chung cư mini hầu hết không đủ điều kiện cấp sổ đỏ do khiếm khuyết về hồ sơ pháp lý. Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, hầu hết các chung cư hiện nay đều không đạt tiêu chuẩn, không đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định 71 để được cấp giấy chứng nhận nên rất khó để có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân
Cũng bắt đầu từ ngày 4/5, UBND Hà Nội có quyết định sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài khi mua căn hộ, nhà, đất trên địa bàn thành phố. Tưởng chừng như quy định về việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã được nới lỏng, từ đó sẽ có thêm một nguồn cầu đáng kể trên thị trường. Nhưng người nước ngoài chỉ được phép mua căn hộ chung cư nên quyền được mua nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài có phần hạn chế.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng nên tâm lý chung của thị trường vẫn là chờ đợi giá giảm thêm. Vì vậy theo giới trong ngành, chính sách này cũng không mấy tác động đến thị trường bất động sản.
Mới đây, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản đã đưa ra đề xuất xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi trong đó có nội dung mở rộng quyền được mua nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài từ chỉ được mua căn hộ sang được mua cả biệt thự và nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, đợi đến khi luật này được thông qua và đi vào thực tế có lẽ doanh nghiệp bất động sản phải tiếp tục “dài cổ” chờ.
Một chính sách quan trọng trong thời gian qua được giới đầu tư kỳ vọng sẽ mang lại “phép màu” cho thị trường bất động sản đó là Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành hồi tháng 1, trong đó có quy định dành 30 nghìn tỷ đồng cho địa ốc. Tuy nhiên, mãi đến ngày 15/5 Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 11 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02. Theo kế hoạch, ngày 1/6 tới 30 nghìn tỷ đồng mới chính thức được giải ngân.
Không những chậm trễ về thời gian triển khai, việc cho vay này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Bởi vì theo Thông tư này, các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho những người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc xác minh đối tượng nào thuộc vào diện thu nhập thấp thì không được liệt kê. Bên cạnh đó, phần lớn các hợp đồng mua bán nhà ở xã hội không được mang ra để thế chấp, trong khi đối tượng được mua nhà ở xã hội lại rất khó khăn về tài chính. Vậy họ lấy gì thế chấp để vay vốn ngân hàng với lãi suất 6%?
Đánh giá về gói tín dụng 30 nghìn tỷ, Ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong tình huống tốt đẹp nhất gói tín dụng này có lẽ sẽ không gây ra tác động tiêu cực gì cho nền kinh tế, nhưng cũng không mang lại tác động tích cực là bao nhiêu.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 thì đến ngày 15/5 mới có thông tư của Ngân hàng Nhà nước, tức là 4 tháng sau khi có Nghị quyết 02. Như vậy là quá chậm trễ, điều này làm cho niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay.
Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường chỉ có một số ít dự án đã hoặc sắp hoàn thiện để có thể bàn giao nhà cho khách hàng. Còn lại hầu hết các dự án cần được tiếp tục thi công để hoàn thiện công trình và có được sản phầm cuối cùng bàn giao cho khách hàng. Những doanh nghiệp này rất cần nguồn cung tín dụng (30% trong gói 30 nghìn tỷ) vì họ đưa ra thị trường các dự án nhà ở thương mại với diện tích 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện tại đối tượng doanh nghiệp này không được vay vốn, ông Châu cho biết thêm.
Khi thị trường đang trong cơn nguy khốn thì việc mong ngóng sự hỗ trợ từ Chính phủ là tâm lý chung của các chủ đầu tư. Bởi vì những chính sách này góp một phần quan trọng trong việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua vẫn chưa đủ mạnh để tạo nên “cú huých” cho thị trường bất động sản. Điều này làm giới đầu tư hy vọng rồi lại thất vọng và có lẽ họ sẽ tiếp tục chờ đợi một tín hiệu hỗ trợ khác đủ sức nặng để giúp thị trường vượt qua khó khăn.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...