Nhiều DN ngoài ngành “nhòm ngó” miếng bánh cải tạo chung cư cũ

Cải tạo tập thể cũ đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, bởi nằm tại vị trí “đất vàng”

Lâu nay, việc cải tạo chung cư cũ gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng và cân đối tài chính cho chủ đầu tư. Thậm chí, một số doanh nghiệp triển khai cải tạo dự án chung cư cũ mới đây đã kêu lỗ do mất cân đối tài chính giữa một bên là tổng mức đầu tư lớn, nhưng doanh thu theo cơ chế lại thấp.

Chính vì khó khăn trong triển khai dự án, cộng với việc cân đối tài chính để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ còn nhiều bất cập, nên hầu hết các doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ từ trước đến nay đều là những doanh nghiệp của TP. Hà Nội hoặc thuộc Bộ Xây dựng. Việc cải tạo chung cư cũ đối với các doanh nghiệp này trở thành một nhiệm vụ chính trị, không phải đơn vị nào cũng muốn làm, khiến hoạt động triển khai vì thế hết sức chậm chạp.

Theo một báo cáo của Tổng hội Xây dựng Việt nam mới đây, sau 10 năm triển khai cải tạo chung cư cũ, Hà Nội mới cải tạo được 14 dự án, trong tổng số 980 chung cư cũ cần được cải tạo.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều dự án chung cư cũ, vốn nằm tại những vị trí đắc địa trong trung tâm Thành phố, lại được nhiều doanh nghiệp quan tâm, muốn tham gia đầu tư cải tạo. Đáng chú ý là, chủ thể muốn tham gia cải tạo chung cư cũ hiện nay không chỉ doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, mà còn có cả sự xuất hiện của doanh nghiệp “ngoài ngành”.

Không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, cũng không phải thực hiện nhiệm vụ chính trí, động thái trên từ phía các chủ đầu tư cho thấy, dường như "miếng bánh" cải tạo chung cư cũ đang hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, hầu hết các dự án cải tạo chung cư cũ đều nằm tại các vị trí “đất vàng” của Thành phố. Có lẽ đây chính là nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp, thậm chí không chuyên về bất động sản vẫn muốn tham gia thực hiện dự án.

Cụ thể, tại Hà Nội, mới đây, CTCP Phát triển năng lượng Sơn Vũ, một công ty chuyên về xây dựng, kinh doanh nhà máy thủy điện, đã bất ngờ có những báo cáo về chất lượng của Dự án chung cư cũ B7B-B7C, Tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) và đề xuất xin được tham gia cải tạo chung cư cũ này.

Theo khảo sát, đánh giá của Công ty Sơn Vũ, Chung cư B7B-B7C, Tập thể Thành Công đã được xây dựng cách đây 30 năm, đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, phần móng công trình có chỗ đã lún hơn một mét, rất nguy hiểm đối với cuộc sống các hộ dân sống trong tòa nhà và tại các công trình lân cận. Vì thế, Công ty Sơn Vũ đã kiến nghị được cải tạo lại chung cư này theo phương thức hợp tác kinh doanh: các hộ dân góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, Công ty Sơn vũ góp vốn để triển khai dự án.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Kinh doanh CTCP Tân Hồng Hà cho rằng, trong 3 năm qua, mặc dù thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhưng các dự án khu vực nội đô vẫn có thanh khoản cao. Thậm chí, do nguồn cung hạn chế, nên giá bán căn hộ nhiều dự án nằm trong nội thành thời gian qua bị đẩy lên rất cao. Đây chính là nguyên nhân khiến những khu đất khu vực nội thành - vốn là các chung cư cũ cần được cải tạo, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Thực tế đến thời điểm này, doanh nghiệp ngoài ngành xin cải tạo chung cư cũ không chỉ có Công ty Sơn Vũ. Trước đó, một số doanh nghiệp ngoài ngành cũng từng “xí phần” tại miếng bánh màu mỡ này. Thế nhưng, việc thị trường bất động sản đóng băng, nhất là việc doanh nghiệp không cân đối được nguồn vốn đầu tư và doanh thu, do các dự án chung cư cũ đều nằm trong nội đô và bị giới hạn về chiều cao, khiến nhiều dự án bị “treo” trong thời gian dài, trong khi các doanh nghiệp liên tục xin được điều chỉnh dự án.

Chẳng hạn, Dự án chung cư B6 Giảng Võ, được triển khai từ năm 2004, đến nay, dù đã “qua tay” nhiều chủ đầu tư, trong đó có chủ đầu tư cũng được coi là doanh nghiệp ngoài ngành là CTCP và Phát triển công nghệ MEFRIMEX, nhưng hiện dự án vẫn còn khá ngổn ngang.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản

Bài viết mới nhất