Nhà thật tồn kho, nhà ảo "sốt nóng"!

Nhiều khu đô thị “ma” vẫn đang tồn kho hàng chục ngàn tỷ đồng của chủ đầu tư, khách hàng và các ngân hàng thương mại.

UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư một loạt dự án bất động sản lớn ngay sau khi nhiều dự án khu vực nội thành và ven đô được khởi công trong tháng 8/2015. Ngay lập tức các dự án mới manh nha này đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư địa ốc, bất chấp thực tế gần đó là những khu đô thị “ma” vẫn đang tồn kho hàng chục ngàn tỷ đồng của chủ đầu tư, khách hàng và các ngân hàng thương mại.

Thống kê của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, đến cuối tháng 8/2015, lượng bất động sản tồn kho cả nước còn khoảng 60.299 tỷ đồng, giảm 3.444 tỷ đồng so với tháng 7/2015. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 11.693 căn, tương đương 17.972 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng là 8.641 căn, tương đương 14.998 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở là 7.081.554 m2, tương đương 22.784 tỷ đồng và tồn kho đất nền thương mại là 1.637.782 m2, tương đương 4.545 tỷ đồng.  Trên địa bàn TP. Hà Nội, tổng số tồn kho chỉ vào khoảng 7.768 tỷ đồng. Tại TP.HCM con số này là 11.658 tỷ đồng. Đây là số liệu thống kê từ báo cáo của các chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản gửi Bộ Xây dựng theo từng tháng.

Tuy nhiên khách hàng chỉ cần lướt qua các dự án Khu đô thị Văn Phú, An Hưng, Hyundai Hill State (Hà Đông, Hà Nội), Khu đô thị Công viên thiên đường Bảo Sơn, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco, Khu đô thị Lideco (Hoài Đức, Hà Nội)… đã có thể hình dung con số thực tế lớn hơn nhiều so với báo cáo. Thậm chí, những dự án trong nội đô đã hoàn thiện xong vẫn còn rất nhiều căn hộ chưa có người ở như Chung cư Golden Land (số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), Hapulico Complex (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân), Mipec Tower (số 229 Tây Sơn, quận Đống Đa).

Hiện thực trên hoàn toàn trái ngược với thông tin về sự “nóng sốt” của các dự án mới mở bán từ một số sàn giao dịch bất động sản thời gian gần đây. Các dự án như: Goldmark City (Bắc Từ Liêm), Golden West (Thanh Xuân), Green Stars (Bắc Từ Liêm), Saphire Palace (Thanh Xuân), Hongkong Tower (quận Đống Đa), Home City (quận Cầu Giấy)... đều có giá bán mới với mức tăng 10%. Thậm chí, có những dự án, người mua còn mất thêm 1 khoản tiền ngoài hợp đồng (tiền chênh) cho người môi giới.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong tháng 7, tại Hà Nội có khoảng 1.800 giao dịch thành công (tăng 3% so với tháng trước); tính chung 7 tháng đầu năm, có 11.050 giao dịch thành công. Xu hướng đầu tư bất động sản ngắn hạn nở rộ trở lại, phần nhiều là do thanh khoản tươi sáng của phân khúc căn hộ, trong đó phân khúc các căn hộ cao cấp có biên độ lợi nhuận lớn.

Nói về hiện tượng tăng giá bất thường thời gian gần đây tại một số dự án, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc giá bất động sản tăng thời gian qua không phải do đầu cơ mà đó là kết quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được thực hiện. Việc cấu trúc lại thị trường, dự án, các sản phẩm bất động sản để đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới người tiêu dùng, phù hợp với nhiều đối tượng có khả năng chi trả khác nhau, để chuyển từ khu vực dư thừa sang khu vực đang thiếu nguồn cung.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cảnh báo, khi giao dịch tăng lên, khả năng đầu cơ trở lại là điều có thể xảy ra.

Bởi vậy, việc kiểm soát không để thị trường phát triển nóng, tạo ra bong bóng bất động sản thông qua thực hiện nghiêm Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó yêu cầu phải theo quy hoạch và có kế hoạch lại đang trở nên cấp thiết.


Theo Đầu tư

Bài viết mới nhất