Nhà phố hạ nhiệt sau chiến dịch “giành lại vỉa hè“

Chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè của TP.HCM và Hà Nội đã ảnh hưởng lớn tới giá thuê các căn nhà phố. Ảnh: Lê Toàn


VNREA cho biết, giá cả bất động sản trong 2 tháng đầu năm không có nhiều biến động do tháng này trùng với thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sang tháng 3, đã có sự biến động rõ ràng về giá cả. Theo khảo sát, giá cả nhà chung cư chỉ tăng từ 1,5 - 3%, thấp hơn mức tăng 7 - 10% của cùng kỳ năm trước.

Sự tăng giá mạnh mẽ nhất đến từ phân khúc đất nền ở Đà Nẵng và TP.HCM. Trong đó, tại TP.HCM, giá đất tại các quận như quận 2, quận 9, Thủ Đức, TP.HCM tăng tới 10 - 40% so với thời điểm cuối 2016. Tại thị trường Đà Nẵng, giá đất nền khu vực ven sông Hàn, ven biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Hoà Xuân, Hoà Quý, Nam cầu Nguyễn Tri Phương, Đào Bá Tùng và tất cả khu vực trục Nam Thành phố (quận Ngũ Hành Sơn), so với thời điểm cuối năm 2016, giá tăng từ 30-50%.

Cũng theo VNREA, trái ngược với sự tăng giá của đất nền các địa phương trên, chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM lại khiến phân khúc nhà mặt phố cho thuê có sự sụt giảm về giá và có khả năng sẽ còn giảm trong thời gian tới khi các hộ kinh doanh muốn trả mặt bằng để tìm vị trí thuận lợi hơn.

Ngay từ 16/1/2017, chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè được chính quyền quận 1, TP.HCM khởi xướng đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân và sự hưởng ứng của nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chiến dịch giành lại vỉa hè tại Hà Nội đã khiến nhiều hộ kinh doanh có ý định trả lại địa điểm để tìm chỗ khác. Và để giữ chân khách thuê, không ít các chủ sở hữu mặt bằng trong các tuyến phố Hà Nội đã giảm giá thuê.

Anh Trường, chuyên gia môi giới các phân khúc nhà ở, nhà mặt phố tại một số tuyến phố cổ Hà Nội chia sẻ, bên cạnh giá thuê giảm, lượng giao dịch mua bán ở phân khúc nhà mặt phố cũng đang có chiều hướng chững lại sau chiến dịch "giành lại vỉa hè” của chính quyền Thành phố.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, những vị trí mặt tiền trong các khu phố thường thu hút được nhiều người thuê hơn, trong đó có cả khách trong và ngoài nước. Bởi những vị trí này hình ảnh công ty hay cửa hàng của họ sẽ dễ được công chúng nhận diện hơn trong các siêu thị hay tòa nhà, nhất là những cửa hàng có vị trí rộng lớn, sâu vào bên trong, vỉa hè có diện tích đỗ xe tốt. Tuy nhiên, không phải tuyến phố nào cũng có lợi thế này.

“Chiến dịch làm sạch vỉa hè vừa qua ở Hà Nội và TP.HCM đã ảnh hưởng đến khả năng bán hàng của họ, lượng khách đến giảm đi, vì không có chỗ để xe, hoặc những cửa hàng có diện tích kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào vỉa hè. Tuy nhiên, những mặt bằng có diện tích sâu vào bên trong thì vẫn có những lợi thế nhất định. Điều này dẫn đến khả năng thuê của phân khúc nhà mặt phố bị giảm sút cả về giá cả và số lượng giao dịch”, bà An nhận định.

Về vấn đề này, mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, chiến dịch giành lại “vỉa hè” đã ảnh hưởng đến việc làm, thương mại và dịch vụ trong quý I vừa qua. Bởi lâu nay, vỉa hè cũng là nơi kinh doanh, buôn bán của rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Đặc biệt, là các hộ liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ăn uống.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nhiều, bởi theo bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), bộ phận kinh doanh cá thể tính trên cả nước hiện có quy mô khoảng 4,6 - 4,8 triệu hộ, trong đó có hoạt động kinh doanh trên các vỉa hè mới đóng góp khoảng 11-13% GDP.


Theo Đầu tư Bất động sản

Bài viết mới nhất