Nhà ở cho công nhân: Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
- 08/08/2014
- Tin tức thời sự
Theo Sở Xây dựng TPHCM, một số dự án nhà ở lưu trú cho công nhân trên địa bàn chỉ sử dụng hết 50% công suất phòng cho thuê. Ảnh minh họa
|
Mới đáp ứng 20% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân
Theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tổng số CN, lao động tại các KCN đạt khoảng 7,2 triệu người. Số CN, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.
Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước đã có 63 dự án Nhà ở xã hội (NƠXH) cho CN hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ; hiện đang tiếp tục triển khai 39 dự án NƠXH cho công nhân KCN với quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.
Tại TP. Hà Nội hiện có 5 dự án đầu tư xây dựng nhà ở CN với khoảng 314.374m2 sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho 25.304 CN. Còn tại TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM cho biết trong giai đoạn 2006-2012 toàn Thành phố có 12 dự án nhà lưu trú CN được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng diện tích đất 8,53 ha, 98.260 m2 sàn, quy mô xây dựng 2.336 phòng, đáp ứng 20.220 chỗ ở cho CN.
Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về nhà ở cho CN tại các KCN bởi số liệu một cuộc khảo sát mới nhất tại các Khu công nghiệp cho thấy mới chỉ có khoảng 20% CN lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm tại các phòng trọ do tư nhân quản lý.
“Các phòng cho thuê, trọ của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân chỉ từ 2-3m2/người, điều kiện vệ sinh, môi trường và an ninh trật tự không đảm bảo. Tuy nhiên giá cả phù hợp với túi tiền của những CN như chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân khu CN Thăng Long thuê nhà tại xã Xuân Đỉnh cho biết.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người lao động, CN tại các KCN chính là nhiều KCN được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; việc đầu tư nhà ở cho công nhân thuê đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay để đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các DN không mặn mà đầu tư.
Cùng với đó, một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng NƠXH (như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương...) chưa được quan tâm đúng mức; mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN.
Tìm hiểu thực tế 5 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết có tới 4 dự án gặp vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vốn để thực hiện dự án.
Một trong những khó khăn được nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở cho CN các KCN không ít lần than phiền là tình trạng dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng không có công nhân thuê ở còn nhiều, vừa gây lãng phí vừa xuống cấp công trình.
Cụ thể như dự án đầu tư xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân tại lô đất NO-02, NO-03 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội do Tổng Công ty Cổ phần XNK và XD Việt Nam Vinaconex làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vẫn có 6 đơn nguyên với 2.700 chỗ trống không có công nhân thuê ở.
“Giá cả cho thuê chưa thực sự hợp lý, còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu hạ tầng xã hội phục vụ đời sống, sinh hoạt của cư dân nên chúng tôi không lựa chọn những căn hộ cho thuê như thế này”, anh Nguyễn Văn Toàn, một công nhân đang thuê nhà tư nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh nói.
Ngoài những hạn chế bất cập về điều kiện cơ sở hạ tầng xã hội còn có nguyên nhân là những quy định cụ thể về đối tượng được thuê nhà tại các KCN-KCX.
Một cuộc khảo sát do Sở Xây dựng TPHCM tiến hành tại các KCN-KCX trên địa bàn cho thấy có tới 97% công nhân được hỏi không thích thuê trọ, sinh sống ở các khu nhà lưu trú công nhân vì không được đưa người thân vào ở cùng. Theo Sở Xây dựng TPHCM, một số dự án nhà ở lưu trú cho công nhân trên địa bàn chỉ sử dụng hết 50% công suất phòng cho thuê.
Nguyên nhân phòng đông người ở, phức tạp, không thuận tiện trong sinh hoạt cũng chiếm tới 79%. Không thuận tiện cho các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể cũng là nguyên nhân, chiếm tới 63% ý kiến công nhân được khảo sát.
Ngoài ra, thủ tục đăng ký thuê trọ vào ở còn phức tạp, các công trình phụ trợ, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong các dự án nhà ở xã hội cho CN tại các KCN còn hạn chế cũng chính là rào cản khiến nhiều dự án nhà ở cho công nhân đã hoàn thành còn nhiều chỗ trống không có người thuê như hiện nay.
Cần nhiều giải pháp cụ thể
Để tháo gỡ những bất cập này, đẩy mạnh việc phát triển NƠXH dành cho công nhân, Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung quy định công nhân, người lao động tại KCN được mua, thuê, thuê mua NƠXH thay vì chỉ được thuê như các quy định trước đây.
Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa trong việc xây dựng NƠXH cho CN tại các KCN và hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi sẽ góp phần hướng đến việc xây dựng các khu nhà cho thuê tại các KCN đạt chuẩn và cho thuê theo khung giá thống nhất do địa phương ban hành.
Một loạt bất cập, vướng mắc trong việc đơn giản các thủ tục cho thuê, đối tượng cho thuê, công tác quản lý tại các dự án NƠXH cho CN tại các KCN, KCX và việc thực hiện đầy đủ các công trình phụ trợ, hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho công nhân tại các dự án này cũng cần phải được tính tới khi triển khai các dự án.
Đây chính là những giải pháp hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhà ở cho CN, người lao động tại các KCN trong những năm tới.
Theo Báo Chính phủ
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...