Nhà mới mua đã bị cưỡng chế tháo dỡ

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, bà Mai Thị Hồng, khu phố Đồng An, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương, trình bày bà mới mua một dãy nhà trọ để cho thuê. Thế nhưng chỉ sau hai tháng kinh doanh, bà nhận được yêu cầu tháo dỡ của chính quyền địa phương vì chủ cũ xây dựng sai phép.

Chủ cũ xây sai, chủ mới lãnh đủ

Theo bà Hồng, bà đã đến xem và quyết định ký hợp đồng mua bán dãy nhà trọ gồm 10 phòng và ba kiốt (đã có người thuê) trên đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM từ chủ sở hữu là ông TrXC.

Tháng 3, tài sản trên được đăng ký biến động quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sang tên bà Hồng. Thế nhưng chỉ hai tháng sau, cán bộ phường Bình Chiểu và thanh tra xây dựng địa bàn xuống dán biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ông C. tháo phần xây sai phép. Liền sau đó là quyết định xử phạt hành chính ông C.

Ngày 6-9, UBND quận Thủ Đức ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm, yêu cầu ông TrXC khắc phục 10 cửa đi chia thành nhiều căn, tháo dỡ một phần lấn ranh xây dựng. Nếu như vậy, bà Hồng sẽ không thể kinh doanh phòng trọ nữa.

“Tôi thấy bất hợp lý, sao lúc ông C. xây dựng sai phép các cơ quan không xuống yêu cầu khắc phục mà để bây giờ, khi tài sản đã sang tên tôi mới bị xử lý? Nếu cơ quan chức năng phát hiện kịp thời thì có thể đã tránh được hậu quả cho người mua sau là tôi” - bà Hồng bức xúc.

Nhà mới mua đã bị cưỡng chế tháo dỡ - ảnh 1
Dãy nhà trọ bà Hồng đã mua hiện đều có người thuê. Ảnh: N.HIỀN

Chủ mới kế thừa quyền và lợi ích chủ cũ

Người chủ cũ - ông C. cho biết đã mua tài sản này thông qua thi hành án. Sau khi sang nhượng xong, ông đã xin giấy phép xây lại căn nhà và thực hiện trong hai tháng, từ tháng 10-2016. “Dù giấy phép là xây nhà ở nhưng tôi đã xây thành dãy nhà trọ. Lúc đó tôi không thấy cán bộ đến kiểm tra, xử phạt nên đã kinh doanh và bán lại cho bà Hồng. Tôi sẽ chấp hành việc đóng phạt nhưng với yêu cầu cưỡng chế khắc phục hậu quả thì tôi không thể làm được vì tài sản không còn là của tôi nữa”.

Ông Mai Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết đơn vị này đang giải quyết khiếu nại của bà Hồng.  “Việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp trên là đúng quy định. Ở đây, ta cần hiểu rằng khi nhận chuyển nhượng là căn nhà thì chủ mới phải kế thừa luôn quyền và nghĩa vụ đối với căn nhà đó” - ông Tùng nói.

Trách nhiệm chủ yếu ở người mua

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, việc căn nhà xây xong đến năm tháng cơ quan chức năng mới phát hiện xây sai phép rồi ra quyết định xử phạt là không sai vì luật quy định thời hiệu xử lý đến hai năm. Về nguyên tắc khi nhận ký công chứng hợp đồng mua bán, công chứng viên chỉ tiến hành kiểm tra thực tế khi có dấu hiệu nghi ngờ về sự khác biệt, thay đổi hiện trạng nhà đất so với giấy tờ. Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cũng không có trách nhiệm đi kiểm tra thực tế trong những trường hợp mua bán hợp pháp. Vì thế, người mua phải có trách nhiệm kiểm tra điều này để tránh rủi ro phát sinh từ sai phạm của chủ trước.

LS Phạm Văn Khang, Đoàn LS TP.HCM, cho biết thêm về nguyên tắc chủ thể bị xử phạt phải là người thực hiện hành vi xây dựng sai phép và đối tượng xử phạt là công trình vi phạm. Cơ quan chức năng không xử phạt bên mua vì bên mua không tham gia quá trình vi phạm.

Qua câu chuyện này cho thấy khi mua nhà, người mua phải tìm hiểu kỹ thông tin về pháp lý căn nhà cũng như những quy định pháp lý liên quan. Nếu biết rõ hiện trạng căn nhà khác với giấy chứng nhận nhưng vẫn “liều” mua thì sẽ phải chấp nhận rất nhiều rủi ro như không được đăng bộ hoặc bị cưỡng chế tháo dỡ.

Theo Pháp luật

Bài viết mới nhất