Nhà cao tầng phá vỡ quy hoạch đô thị


Đơn cử như tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, xe đỗ tràn ra vỉa hè, những hàng quán nằm san sát nhau trong khi đó, theo thiết kế ban đầu, quy mô dân số tại khu đô thị này là gần 5.000 người. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, con số dân cư tại dự án đã tăng gấp đôi, lên tới hơn 10.000 người. Số dân tăng cao đồng nghĩa với việc áp lực về diện tích cây xanh, đất trường học, dịch vụ trên mỗi đầu người bị giảm mạnh. Đây được xem là tình trạng không hiếm ở các khu đô thị tại Hà Nội.

Theo Hội Quy hoạch và Phát triển Hà Nội, một trong những chỉ tiêu phải khống chế là dân số trong các khu đô thị. Đây được xem là định hướng quy hoạch từ nhiều năm nay và mỗi đô thị đều có chỉ tiêu chung. Ví dụ như Hà Nội, có lúc đã đặt ra, mỗi người dân sống trong đô thị tính bình quân tất cả đất đai phải có từ 100-120m2 đất nhưng sắp tới lại phải điều chỉnh xuống chỉ còn 80m2 đất. Như vậy thì khống chế dân số là một trong những điều cần phải làm để đảm bảo hiệu quả khai thác đất đai.

Trong thời kỳ khó khăn của thị trường bất động sản, việc các dự án xin phép điều chỉnh, chia nhỏ các căn hộ có diện tích lớn thành các căn hộ có diện tích nhỏ được xem là giải pháp để tăng thanh khoản và hỗ trợ các chủ đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh việc có lợi cho chủ đầu tư và cả người dân có nhu cầu chính đáng về nhà ở phù hợp với thu nhập thì chính việc điều chỉnh này lại bị xem là nguyên nhân dẫn tới phá vỡ quy hoạch, tạo áp lực lớn tới hạ tầng cơ sở tại khu vực.

Theo các chuyên gia kinh tế, điều này đã tạo ra cái sự mất cân đối giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật vì bất kỳ cơ sở hạ tầng kỹ thuật nào khi thiết kế ban đầu chỉ cho phép một lượng dân cư nhất định chứ không phải bao nhiêu cũng được. Thứ hai là những hệ quả nếu phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt, tắc đường và đủ những thứ khác nữa...

Trước tình trạng quá tải hạ tầng cơ sở tại khu vực nội đô, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch đều chung nhận định, cần xem xét lại mật độ xây dựng tại các khu đô thị, không thể lấy lý do đáp ứng nhu cầu nhà ở mà bỏ qua các tiêu chuẩn về chất lượng sống của người dân. Theo đó phải tính đủ các điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ như bến bãi đỗ xe, dịch vụ thương mại nhưng đặc biệt là hạ tầng xã hội trường học, nhà trẻ, y tế, các không gian xanh, không gian công cộng phải tính cụ thể. Việc gia tăng dân số phải đi kèm điều kiện mở rộng các hạ tầng kỹ thuật hoặc mở rộng ít nhất là trường học nhằm đảm bảo chỗ học, tiêu chuẩn học cho học sinh.

Trong một diễn biến mới đây, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đã có văn bản kiến nghị thành phố cân nhắc kỹ trước khi cấp phép xây dựng nhà cao tầng tại nội đô. Theo đó, thay vì đặt mục tiêu phát triển số lượng nhà cao tầng, cần xem xét tới chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn thông qua việc đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản về cây xanh, dịch vụ, y tế, trường học.


Theo Sức khỏe & Đời sống

Bài viết mới nhất