Người nghèo chưa “mặn mà” với sổ đỏ


Dân “từ chối” sổ đỏ

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là căn cứ pháp lý quan trọng thừa nhận quyền sở hữu lâu dài của người dân. Đồng thời, người dân có thể sử dụng sổ đỏ để thế chấp tài sản trong trường hợp cần vay vốn… Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ cho người dân đặc biệt người dân nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cả từ chính sách lẫn triển khai thực tế.


Người dân đến làm sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.

Gia đình bà Nguyễn Thị Quế (Phú Thọ) sinh sống và làm ăn trên mảnh đất hơn 1.000 m2 đã nhiều đời từ năm 1956 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện thủ tục làm sổ đỏ. Khi được hỏi, tại sao chưa làm thủ tục để cấp sổ đỏ, bà Quế cho biết, gia đình bà đã sinh sống trên mảnh đất này nhiều năm và không ai có thể lấy được, hơn nữa làm thủ tục lại tốn tiền nên gia đình chưa đi đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tình trạng như trên không phải là hiếm gặp tại các địa phương hiện nay. Đơn cử như tại huyện Kiến Xương (Thái Bình), mặc dù mọi thủ tục đã hoàn tất nhưng nhiều người dân không có ý định đến lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính mình về. Nhiều hộ dân tại đây cho biết, việc lấy sổ đỏ là không cần thiết bởi đất là do ông cha để lại. Hơn nữa, để lấy được sổ đỏ, người dân sẽ phải mất khoảng 3 triệu đồng tiền phí trước bạ, số tiền lớn hơn so với một tháng thu nhập của họ.

Ông Chu Văn Hệ (cán bộ tư pháp xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, theo Luật Đất đai năm 2003, người dân chỉ phải nộp tiền trước bạ là được cấp sổ đỏ. Nhưng theo luật hiện hành thì ngoài lệ phí trước bạ, còn phải nộp 40% tiền sử dụng đất. “Ở các vùng nông thôn, đất cha ông để lại rất rộng, nên nộp 40% tiền sử dụng cũng khá lớn, khiến nhiều hộ dân không đủ sức để xin cấp sổ đỏ, dẫn đến thắc mắc và tồn đọng”, ông Hệ cho biết.

Cùng với đó, theo ông Hệ, nhiều gia đình đông con, không có điều kiện mua đất ở để làm nhà nên tự lấp đất ao, lấy đất vườn để làm nhà ở, nên xin làm sổ đỏ thì phải nộp thuế từ 50 -100%. Nhiều hộ gia đình muốn cầm cố sổ đỏ để vay vốn, nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất nên không thế chấp được… cũng là lý do dẫn đến người dân không “mặn mà” với sổ đỏ.

Giảm phí và đơn giản thủ tục

TS Tạ Minh Lý, Chủ tịch Hội trợ giúp pháp lý cho người nghèo, nguyên Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, mặc dù, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cụ thể hóa Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Chính phủ bằng Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014, đã quy định về cấp sổ đỏ nhưng thông tư lại rất phức tạp và có quá nhiều yêu cầu cho một hồ sơ đăng ký đất. Hiện nay các quy định về Luật Đất đai và sổ đỏ chưa thống nhất, chồng chéo, phức tạp gây khó dễ cho các cơ quan có thẩm quyền và người dân đi xin cấp sổ đỏ.

Cùng với đó, việc giải thích và áp dụng pháp luật giữa các địa phương không thống nhất, cán bộ cấp huyện chờ chỉ đạo của cấp tỉnh, cấp xã chờ chỉ đạo của cấp huyện làm chậm cấp sổ đỏ cho người dân. Một số cán bộ địa phương nhận thức sai quy định của pháp luật, gây khó dễ cho người dân khiến họ phải đi lại nhiều lần, thủ tục rườm rà, phức tạp…

“Về nghĩa vụ tài chính khi cấp sổ đỏ áp dụng theo Điều 63 NĐ 43/2014/NĐ-CP giao cho UBND cấp tỉnh quy định nên có mức quy định khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng nói là mức tài chính quy định trong văn bản thấp nhưng người dân thực hiện lại phải đóng thêm nhiều khoản, nên rất nhiều người dân không mặn mà với việc làm sổ đỏ”, bà Tạ Thị Minh Lý cho biết.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Công sản, Bộ Tài chính cho rằng, người dân không đến lấy sổ đỏ không hẳn do vấn đề kinh tế mà do nhận thức của họ về giá trị sở hữu sổ đỏ còn hạn chế vì theo quy định với những hộ nghèo được phép nợ phí làm sổ đỏ. Tuy nhiên, theo phản ánh tại nhiều địa phương, khi người dân nhận sổ đỏ nhưng vẫn “nợ thuế” thì cũng không thể mang đi thế chấp để vay làm ăn. Do đó rất nhiều hộ gia đình ở nông thôn dù có nhu cầu vay vốn vẫn không lấy sổ đỏ.

Trước những bất cập kể trên, Đại biểu quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội cho biết, lâu nay vẫn có tình trạng nông dân không nhận sổ đỏ. Nguyên nhân do người dân chưa thấy nhu cầu, có giao dịch mua bán liên quan đến sổ đỏ. Còn về vấn đề đo đạc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cần kinh phí lớn, trước đây thực hiện đo vẽ bản đồ có thể không trùng khớp, sai lệch nhất là đất rừng nên dẫn đến xen lẫn chồng lấn. Quyết tâm cấp giấy chứng nhận cho người dân là nhu cầu đặt ra từ lâu và quy định trong luật nhưng gặp nhiều khó khăn và chưa xử lý dứt điểm. Đây là vấn đề cần thực hiện sớm vì là quyền của người dân và yêu cầu quản lý của nhà nước nên nhà nước có trách nhiệm phải làm. Riêng về chi phí làm sổ đỏ chỉ nên quy định mức phí phù hợp với người dân, tránh phát sinh thêm khoản khác.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, để giải quyết vấn đề này, nhà nước phải cấp kinh phí để đo đạc, làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Thậm chí, có thể xem xét miễn và cho người dân nợ tiền làm sổ đỏ. Cái chính là thực hiện ra sao để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.


Theo Báo Tin tức

Bài viết mới nhất