Ngân hàng săn đón cho vay: Đỏ nhưng... không chín!

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo người vay đừng “thấy đỏ tưởng chín”.

Không rõ ràng!

Hiện, không ít ngân hàng (NH) tung ra những gói cho vay tiêu dùng với lãi suất cho vay tháng đầu  chỉ 5-6%, thậm chí 0%. Thực tế, có sự chênh lệch không nhỏ về lãi suất giữa các nhà băng.

Mới đây, một NH tung ra gói cho vay tiêu dùng có lãi suất chỉ là 5,91% trong 25 năm cho khách hàng mua căn hộ chung cư tại một dự án. Người vay hiểu rằng mức lãi suất này sẽ được kéo dài trong 25 năm, nhưng thực tế, mức lãi suất này chỉ được áp dụng trong 6 tháng đầu tiên sau khi giải ngân, song nhân viên tín dụng không giải thích.

Chị T, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thấy một NH treo quảng cáo có gói cho vay mua nhà lãi suất xấp xỉ 6%/tháng nên đã tiến hành các thủ tục vay, nhưng đến kỳ trả lãi mới biết rõ mức lãi suất này chỉ được áp dụng cho 6 tháng đầu sau giải ngân. “Lúc đó thì đã vay rồi. Giờ tôi đang tìm cách xoay vốn để tất toán” - chị T, chia sẻ.

Các chuyên gia tài chính cho biết, lãi suất những tháng tiếp theo sẽ được nhà băng tính theo lãi suất cho vay hiện hành của mình (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ dao động) và dĩ nhiên, biên độ của những khoản vay ưu đãi thường cao hơn nhiều so với món vay thông thường. “Tưởng rẻ hóa đắt. Đây là bẫy mà khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký vay” - một chuyên gia NH cảnh báo.

Bên cạnh đó, hiện nhiều NH thương mại đang giữ cách tính lãi suất dựa trên dư nợ ban đầu thay vì dư nợ giảm dần theo tiền gốc nên khách hàng phải chịu mức lãi suất cao hơn rất nhiều, có lúc lên đến trên 20%/năm.

“Đa số người vay khi nghe đến lãi suất ưu đãi đều hiểu nhầm rằng NH đang ế vốn nên thà ăn lãi ít đủ trang trải chi phí còn hơn huy động rồi để đó mà trả lãi nên ít để ý. Song thực tế không bao giờ có chuyện đó. Khách hàng nên hiểu rằng họ (ngân hàng - PV) cũng là người “buôn” tiền” - một Thạc sỹ ĐH Kinh tế quốc dân nêu thực tế.

Vị này nhấn mạnh: “Lãi suất thấp chỉ được hỗ trợ trong thời gian đầu sau đó sẽ được điều chỉnh theo quy định của nhà băng. Nên tìm hiểu kỹ, tốt nhất nên hỏi rõ nhân viên tín dụng hoặc người quen làm trong ngành NH”.

Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, có một tâm lý chung dẫn đến việc người vay dễ mắc bẫy lãi suất khi vay tiêu dùng là điều kiện vay thoáng, ràng buộc thấp, mức vay không lớn và trả theo dư nợ, tuy nhiên đây sẽ là những sai lầm dễ dẫn đến người vay bị “bể nợ”. 

Do đó khách hàng phải chú ý thật kĩ hợp đồng vay vốn, yêu cầu nhân viên tín dụng giải thích rõ về thời hạn hợp đồng vay, lãi suất trong từng giai đoạn... Đặc biệt chú ý điều khoản nếu tất toán (trả trước thời hạn vay) thì mức phạt ra sao, bởi các NH TMCP đều tính mức phạt đối với những khoản vay trả trước hạn ở mức rất cao.

Ngân hàng săn đón cho vay: Đỏ nhưng... không chín!
Người vay phải hoàn toàn tỉnh táo trước các chiêu thức của các nhà băng, đặc biệt là các khoản vay tiêu dùng. Ảnh : V.Giang 

Đọc kỹ các điều khoản phụ

Tín dụng doanh nghiệp gặp khó, các NH lao vào đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua ôtô, xe máy, sửa chữa nhà… với lãi suất được chào khá hấp dẫn. Thử đi vay, sẽ thấy thực tế không như quảng cáo.

Hiện tại, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 7%/năm, cộng với chi phí kinh doanh từ 3%-4%, nếu lãi suất cho vay mua nhà 10%-11%/năm là NH đã có lãi. Vì thế, khi NH đưa ra lãi suất thấp trong năm đầu tiên thì người vay cần chú ý đến điều kiện tất toán, lãi suất của các năm tiếp theo để tính toán.

Đối với người vay tiền NH để mua nhà ở và dùng căn nhà đó làm tài sản thế chấp là cực kỳ khó khăn. Bởi khi công chứng hợp đồng mua bán nhà, NH thường giải ngân cho bên vay bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của bên bán nhà. Sau đó, NH phong tỏa tài khoản này (khoảng 1 tháng) và bên bán nhà chỉ được rút tiền sau khi bên mua và bên bán nhà hoàn tất thủ tục thuế, sang tên chủ quyền nhà. Đây là các yếu tố mà khi tiến hành thủ tục vay tiền, người mua nhà cần phải tìm hiểu kỹ từ NH.

Nhiều trường hợp, nhân viên tư vấn lãi suất một đằng nhưng số tiền phải trả lại một nẻo, cao hơn rất nhiều. Do đó, một nguyên tắc nằm lòng người tiêu dùng cần nhớ theo chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu là phải “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” và người vay phải có trách nhiệm hỏi kỹ các điều khoản của hợp đồng.

Lưu ý tiếp theo được chuyên gia nêu là người vay phải theo dõi sát sao lịch trả nợ. Dù vay số tiền ít, mọi lịch sử tín dụng của bạn đều được ghi lại. Do đó, nếu để nợ quá hạn, có thể bạn sẽ khó vay tiền trong tương lai. Không ít người chi tiêu qua thẻ tín dụng nhưng thường xuyên quên ngày thanh toán hoặc trả thiếu. Phí phạt trả chậm theo quy định cũng không hề thấp. Tương tự, với các khoản vay tín chấp ở Cty tài chính, ngay sau khi có lương hàng tháng, bạn nên để riêng khoản tiền này để chi trả.

Quang Minh (PL & XH)

Bài viết mới nhất