Lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM: 'Sáp nhập các quận là chuyện nhạy cảm'

 Việc sáp nhập một số phường, quận nội thành được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu phải là một đề án tổng thể của thành phố, việc đó được thực hiện như thế nào?

- Sở Nội vụ và Ban tổ chức Thành ủy thành phố được giao nhiệm vụ khảo sát để tham mưu, đề xuất việc sáp nhập. Ngoài ra cũng còn nhiều việc khác nữa phải làm để tinh giản biên chế.

Hiện công việc chỉ mới ở bước nghiên cứu, khảo sát nên chưa có lộ trình cụ thể. Bao giờ được Thường trực Thành ủy chấp thuận mới triển khai bước tiếp theo.

Ở các tỉnh thành khác đang có xu hướng muốn chia tách vì lý do đô thị hóa, tại TP HCM trước đây cũng vậy, vì sao bây giờ lại cần sáp nhập?

- Trung ương rất khuyến khích việc sáp nhập. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị yêu cầu là không chia tách nữa. Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến khích sáp nhập, hạn chế chia tách. Cả chủ trương chính sách và điều kiện thực tế đều cho thấy đã đến lúc chín muồi để sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả hơn.

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng yêu cầu phải tính toán đến chuyện này. Nhưng với những phường, xã cả trăm nghìn dân thì chúng ta cũng phải tính toán đến chuyện điều chỉnh cho phù hợp, không quá tải đối với chính quyền cấp phường.

Chủ trương tinh giản biên chế không mới, đã được nói đến cách đây 30 năm, song theo thời gian biên chế vẫn cứ tăng. Riêng câu chuyện sáp nhập, sắp xếp lại các quận huyện, phường xã, bản thân tôi đã trăn trở nhiều năm.

lanh-dao-so-noi-vu-tp-hcm-sap-nhap-cac-quan-la-chuyen-nhay-cam

Theo ông Đạo, quận 4 chỉ rộng 4 km2, dân số hơn 200.000 người nên hoàn toàn có thể nhập vào một quận khác. Ảnh: Google maps

Hơn 10 năm trước, khi chia tách quận Tân Bình thành quận Tân Phú và Tân Bình như hiện nay, chúng tôi cũng nghĩ đến một phương án khác. Đó là cắt 2 phường của quận Tân Bình (giáp quận 3) cho vào quận 3. Tương tự, cắt một số phường giáp quận Phú Nhuận, quận 10, quận 11 nhập vào các quận này.

Như vậy, nếu cắt 7 phường của quận Tân Bình nhập vào 4 quận giáp ranh - vốn có dân số ít - thì sẽ tránh được việc phải nở thêm quận mới. Nghĩa là không nảy sinh bao nhiêu chuyện phải lo như: thêm trụ sở, biên chế, kinh phí, tiền mua sắm xe cộ, trang bị cho các cơ quan hoạt động... Tuy nhiên tại thời điểm đó vì nhiều lý do nên phương án trên chưa có điều kiện thực hiện.

Hiện, đã 30 năm sau Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (1986), tình hình, điều kiện thực tế đã có nhiều đổi khác. Nếu xưa cán bộ chủ yếu đi xe đạp, xài máy đánh chữ cọc cạch thì bây giờ đã có xe máy, ôtô, máy vi tính và nhiều công cụ, công nghệ giúp việc thực thi nhiệm vụ nhanh chóng, thuận lợi hơn.

- Những phường, quận nào được đề xuất sáp nhập?

Những nơi mới như quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú là những đô thị đang phát triển, dân số tiếp tục tăng lên, diện tích cũng rất lớn nên không tính tới chuyện sáp nhập.

Đối tượng chúng tôi khảo sát là các quận nội thành cũ như 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận. Đây là những quận có diện tích chỉ từ 4 đến 7 km2 - chưa bằng một phường ở nơi khác, dân số cũng chỉ trên dưới 200.000 và điều kiện cũng rất gần gũi.

Việc sáp nhập sẽ làm quá tải bộ máy hành chính, khó giải quyết tốt công việc của người dân, ông đánh giá như thế nào?

- Quận 8, Gò Vấp, Bình Thạnh có dân số trên 500.000 người - gấp nhiều lần các quận nội thành nhưng vẫn hoạt động tốt. Không lẽ do bí thư, chủ tịch của mấy quận này quá giỏi, còn mấy quận kia lãnh đạo dở hết nên không đảm đương được.

Có tâm lý chung là thủ trưởng, lãnh đạo nào cũng muốn quân lính đông, ban bệ đầy đủ vì họ đâu có bỏ tiền ra để trả lương. Phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có hơn 100.000 dân, cán bộ hoạt động không chuyên trách theo quy định là 47 người nhưng ở đây chỉ có 38 người, như vậy là tiết kiệm được.

Vấn đề là cách quản lý, vận hành bộ máy như thế nào chứ không phải cứ có nhiều cán bộ, nhiều ban bệ là công việc chạy tốt. Nếu cải cách hành chính triệt để, người dân có thể ngồi nhà làm thủ tục, không cần bộ máy với quá nhiều nhân lực để phục vụ. Cần thay đổi cách nghĩ: cứ thấy ở đâu đông dân là chia tách, quỹ lương của Nhà nước chỉ có vậy. Nếu cứ thêm ghế, thêm người, thêm biên chế thì không thể cải cách nổi chế độ tiền lương, cũng không thể chăm lo tốt hơn cho đội ngũ.

Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của phương án sáp nhập khi có nhiều người phản đối?

- Sáp nhập là chuyện hết sức nhạy cảm. Chuyện này nói ra, ban đầu dĩ nhiên sẽ có người không thích. Nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có, vấn đề là phải quyết tâm làm, xuất phát từ mục tiêu, lợi ích chung. Tuy nhiên, mọi việc chỉ mới bắt đầu. Thành phố đã lập tổ nghiên cứu, đang khảo sát thực tế tại các quận huyện, phường xã.

Vừa rồi, tổ công tác khảo sát ở một số phường đông dân và ít dân. Chẳng hạn như phường 6, quận 3 (nơi có gần 20.000 dân), phường Bình Hưng Hòa A và phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (những nơi có trên dưới 100.000 dân).

Năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 3 thành lập 5 quận mới cùng các phường trực thuộc ở TP HCM gồm: quận Thủ Đức, 2, 9 (tách từ huyện Thủ Đức cũ); quận 7 (tách từ huyện Nhà Bè) và quận 12 (tách từ huyện Hóc Môn).

Đến năm 2003, Chính phủ tiếp tục có quyết định thành lập 2 quận mới cùng các phường trực thuộc ở TP HCM gồm quận Bình Tân (tách từ huyện Bình Chánh) và quận Tân Phú (tách từ quận Tân Bình) cùng các phường trực thuộc. Với quyết định này, tổng cộng TP HCM có 24 quận, huyện.

Theo VnExpress

Bài viết mới nhất