"Làm sạch" thị trường bất động sản.
- 23/07/2013
- Tin tức thời sự
Hạn chế tối đa phát triển dự án nhà ở mới
Sau một thời gian phát triển “nóng”, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 đến nay. Hàng loạt dự án giải tỏa dở dang hoặc “xí” đất rồi để đó, nhiều dự án căn hộ triển khai nửa chừng rồi “trùm mền” vì thiếu vốn, tắc đầu ra… Có những dự án nhà ở, khách hàng mua đi, bán lại nhiều lần nhưng hạ tầng vẫn còn trên giấy. Rõ nét nhất là nhiều dự án ở quận 2, quận 9, Nhà Bè…
Dự án căn hộ Gia Định Plaza (quận 12) của Tổng Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định và Công ty cổ phần Đầu tư Gia Định làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 800 tỷ đồng được tổ chức khởi công và cam kết hoàn thành vào cuối năm 2013 nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang. Dự án Khu dân cư Khang An (quận 9) với nhiều biệt thự được khách hàng xây dựng dở dang nhưng đã bỏ hoang hóa, có căn được chủ nhân tận dụng làm nơi nuôi yến.
Hàng loạt dự án đất nền khu vực Thạnh Mỹ Lợi, Giồng Ông Tố (quận 2) triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn là những bãi đất trống cỏ mọc um tùm, mặc dù có thời điểm sốt đất, người ta có thể chuyển nhượng “trên giấy” lên đến 80-90 triệu đồng/m²… Tất cả tình trạng nói trên đã tạo nên sự lãng phí ghê gớm cho xã hội, hàng trăm ngàn tỷ đồng phơi nắng phơi sương từ năm này qua năm khác và đến nay vẫn chưa có hồi kết. Ngoài ra bộ mặt đô thị cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do những dự án “đầu voi đuôi chuột” này.
Dự án Khu căn hộ Gia Định Plaza (quận 12) bỏ hoang ngay sau khi khởi công. Ảnh: ĐỖ BÌNH MINH
Trước thực trạng trên, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát kiên quyết thu hồi những dự án “treo” quá lâu, không khả thi. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, quan điểm của TP là luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng doanh nghiệp nào làm ăn cẩu thả, thiếu năng lực thì cần chấn chỉnh. UBND TP đã thành lập tổ công tác xử lý các dự án chậm tiến độ và đang khẩn trương xử lý theo hướng thu hồi hủy bỏ các quyết định giao đất đối với các dự án không phù hợp.
Trước mắt rà soát hủy bỏ chủ trương chấp thuận đầu tư và các quyết định giao đất và cho thuê đất của 125 dự án với diện tích khoảng 2.000ha. Các dự án này đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các địa phương, cơ sở nơi có dự án. Đối với các dự án được tiếp tục triển khai thực hiện thì quy định cụ thể các điều kiện và cam kết tiến độ thời gian thực hiện đồng thời giao Sở TN-MT, UBND các quận huyện công bố công khai các dự án này để các tổ chức, cá nhân biết và giám sát.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trước thông điệp “hạn chế tối đa phát triển dự án nhà ở mới” của lãnh đạo UBND TP, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh - đầu tư bất động sản trên địa bàn TP tỏ ra đồng tình nhưng cũng không ít băn khoăn. TS Lê Chí Hiếu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, cho biết thời gian qua có quá nhiều dự án bất động sản nhưng không ít chủ đầu tư không đủ năng lực để triển khai, gây bức xúc cho xã hội. Do đó, trong tình hình hiện nay, hạn chế phát triển dự án mới là hoàn toàn chính đáng để lo “dọn dẹp” dự án cũ.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, cho rằng đúng là hiện nay, bất động sản trên địa bàn TP có tình trạng “cung” vượt “cầu”. Nhưng không phải xảy ra ở tất cả các phân khúc mà chủ yếu xảy ra ở phân khúc căn hộ cao cấp, nhà biệt thự. Còn nhà thu nhập thấp, vừa túi tiền với người mua vẫn thanh khoản rất tốt. Do vậy, nếu hạn chế phát triển ở tất cả các phân khúc sẽ bất cập. Vì vậy, nên xem xét thấu đáo từng dự án, từng phân khúc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho rằng TP nên khuyến khích doanh nghiệp và để thị trường điều tiết thay vì áp dụng mệnh lệnh hành chính. Thực trạng hiện nay cho thấy phân khúc nào đáng hạn chế thì nên hạn chế, phân khúc nào cần phát triển thì cứ phát triển để đáp ứng nhu cầu thật của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết hiện nay, TP tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó đặc biệt tìm các biện pháp để giải phóng hàng tồn kho tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản đã bán được 2.043 căn hộ với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, giảm 14,1% so với tổng số căn hộ tồn kho cuối năm 2012. Thị trường bất động sản TPHCM cũng đã có những dấu hiệu khả quan hơn khi có những nỗ lực từ trung ương đến địa phương.
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, TP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển những dự án đáp ứng nhu cầu, khả năng tài chính của người mua. Đặc biệt hiện nay có nhiều doanh nghiệp xin đầu tư nhà ở xã hội hoặc chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng nhằm mục đích “cung - cầu gặp nhau”. Trong năm 2013, TP phát triển 3.000 căn nhà ở xã hội, hiện đang chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô 502 căn.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...