Khó cải tạo chung cư cũ vì thiếu đồng thuận
- 13/08/2014
- Tin tức thời sự
Tại nhiều khu chung cư cũ, người dân không muốn di dời với các lý do như sợ không được về ở nơi cũ, hay không biết đến bao giờ dự án mới xong
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 1.688 chung cư cũ.
Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4 - 6 tầng và 10 khu thấp từ 1 - 3 tầng, phần lớn được xây dựng trước năm 1990, tập trung tại các quận nội thành cũ.
Ngoài ra còn các khu nhà tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản, đang và sẽ phải bàn giao cho thành phố.
Tại Tp.HCM, nhà chung cư xây dựng trước năm 1975 có 533 chung cư. Phần lớn các chung cư này đều xuống cấp, hư hỏng nặng do đã hết niên hạn sử dụng. Hiện thành phố đã hoàn thành di dời, tháo dỡ để xây mới 38 lô chung cư bị hư hỏng, xuống cấp với tổng số 3.387 hộ dân. Dự kiến đến 2015, sẽ có 65 lô chung cư được xây dựng mới với 7.683 hộ dân.
Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng về kế hoạch cải tạo chung cư cũ chiều 12/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho hay tới đây, thành phố sẽ đề xuất với Chính phủ về những vấn đề liên quan đến cải tạo, tái thiết lại các khu chung cư cũ. Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ cùng thống nhất về một số nội dung đề xuất với Thủ tướng.
Hiện Hà Nội đang triển khai nhiều dự án cải tạo chung cư cũ, song theo ông Thảo, sự thiếu đồng thuận đang là rào cản cho quá trình này.
Chủ tịch Hà Nội đề nghị, cần thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Bởi theo ông, nguồn gốc của nhà chung cư cũ là Nhà nước làm nhà cho cán bộ, đã bán diện tích ở, toàn bộ hành lang, mái, diện tích sử dụng chung vẫn do Nhà nước quản lý. Như vậy cả về sở hữu và trách nhiệm là của Nhà nước, chính quyền và người dân.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, mặc dù Bộ cũng như Hà Nội đã nỗ lực trong việc cải tạo chỗ ở cho người dân trong các khu chung cư cũ, song còn nhiều khó khăn nên kết quả khó đạt yêu cầu của Nghị quyết 34, là đến 2015 phải cải tạo hết các chung cư cũ.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, do thiếu chế tài mạnh để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nên thực tế trong quá trình triển khai, chỗ này đồng ý, chỗ kia không đồng ý.
Đặc biệt, do quy hoạch chung Thủ đô hạn chế tầng cao, yêu cầu giảm dân số nội đô, nên việc cải tạo chung cư cũ gần như vướng phải “bài toán hóc búa”.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng chưa nêu rõ quy định với công trình hết tuổi thọ, mất an toàn, và trách nhiệm của người dân trong những trường hợp này.
Chính vì vậy, tại nhiều khu chung cư cũ, người dân không muốn di dời với các lý do như sợ không được về ở nơi cũ, hay không biết đến bao giờ dự án mới xong.
Từ Nguyên (VnEconomy)
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...