Hệ số điều chỉnh giá đất cần phải thay đổi

Đó là đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 121 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Dự kiến nghị định mới sẽ được Chính phủ ban hành trong đầu năm 2014.


Ông Trần Đức Thắng, cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết mục đích để đảm bảo tổ chức, cá nhân sử dụng đất đang thuê một cách hiệu quả, tránh lãng phí. Mặt khác, quan điểm sửa đổi của Bộ Tài chính cũng nhằm đưa giá đất tiệm cận với giá thị trường, xóa bỏ dần bao cấp về đất đai.

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính thừa nhận việc áp dụng nghị định 121 từ ngày 1/3/2011 khiến tiền thuê đất tăng 2-5 lần so với trước đây là không phù hợp về thời điểm. Bởi, ngay sau khi áp dụng thì nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn… Do vậy, Chính phủ đã ban hành liên tiếp hai nghị quyết 13 và 02 nhằm giảm tiền thuê đất từ năm 2011 - 2014 cho các doanh nghiệp khi có tiền thuê đất tăng 2 lần so với mức nộp năm 2010.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Còn những doanh nghiệp thuê đất mới thì lại không được giảm. Để giải quyết những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh đơn giá thuê đất.

Cụ thể, đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì đơn giá thuê đất một năm tính bằng 1% giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành. Trường hợp giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm cho thuê đất, thời điểm điều chỉnh đơn giá thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế thì phải xác định lại giá đất phù hợp để tính đơn giá thuê đất.

UBND cấp tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để xác định đơn giá đất tính giá thuê đất. Hàng năm, hệ số điều chỉnh giá đất sẽ được UBND cấp tỉnh quy định bằng tỷ lệ nhưng không quá 3 lần đơn giá thuê đất đối với đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ… Còn đất thuộc vùng sâu, vùng xa thì không quá 0,5 lần so với đơn giá thuê đất.

Về hệ số điều chỉnh giá đất, theo ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho rằng nên bỏ. Theo ông Phi, hàng năm UBND cấp tỉnh đã ban hành bảng giá đất sát với thị trường thì không cần phải có hệ số điều chỉnh giá đất.

Thực tế, nhất là giá đất ở các khu vực trung tâm, khu đô thị đã rất sát với giá thị trường. Nhưng nếu áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất cho phép giá đất ở trung tâm tối đa gấp 3 lần so với bảng giá đất được ban hành hàng năm thì rất căng. “Hơn nữa, nếu cho phép UBND cấp tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm thì phải chăng lại phủ nhận chính bảng giá mà mình vừa ban hành?” - ông Phi thắc mắc.

“Nên xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường hơn. Chứ nếu áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất sẽ tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Phi đề nghị.

Về vấn đề này, trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành trong 5 năm, giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất thị trường. Việc quy định và hướng dẫn xác định giá đất thị trường để tính thu tiền thuê đất là cần thiết. Nhưng việc sử dụng phương pháp nào cho đơn giản, minh bạch vì đơn giá thuê đất chỉ ổn định trong 5 năm, hết thời gian này phải điều chỉnh lại.

Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép hàng năm, UBND cấp tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ xác định giá thị trường là phù hợp.

Thực hiện chính sách thu tiền thuê đất, thuê mặt nước này, theo Tổng cục thuế, số thu ngân sách nhà nước về tiền thuê đất, thuê mặt nước tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2004 là 846 tỉ đồng, năm 2005 799 tỉ đồng, năm 2006 1.281 tỉ đồng, năm 2007 2.180 tỉ đồng, năm 2008 2.268 tỉ đồng, năm 2009 2.626 tỉ đồng, năm 2010 2.900 tỉ đồng, năm 2011 4.797 tỉ đồng, ước thu năm 2012 6.330 tỉ đồng.


DinhgiaNhadat.vn - Theo Tuổi trẻ

Bài viết mới nhất