Giảm lãi suất gói 30.000 tỷ: Về 0% cũng chẳng giải quyết gì?
- 17/10/2014
- Tin tức thời sự
Nhằm tăng tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ, cuối tháng 8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Theo đó, thời gian khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay vốn tối đa tăng lên 15 năm, thay vì 10 năm khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn và mở rộng thêm một số đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng khi mua, thuê hoặc sửa chữa nhà ở.
Đặc biệt, mới đây, UBND TP.Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Chính phủ ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở là 3%/năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Vay được gói 30.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội vẫn là mơ ước của nhiều người có thu nhập thấp nhưng chưa có nhà ở hiện nay. |
Trước đề xuất trên, trao đổi với PV Infonet, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng nói thẳng: Nếu giảm lãi suất gói 30.000 tỷ đồng xuống 3% là tốt cho người thụ hưởng, người đi vay, nhưng không hợp lý.
Bởi theo ông Hiếu, các ngân hàng khi tham gia chương trình này thì được tái cấp vốn bởi Ngân hàng Nhà nước, tối đa 1% và hưởng 2% biên độ lợi nhuận.
“Nếu ngân hàng cho vay với lãi suất 3% thì lãi suất họ phải trả cho NHNN là 1%, các ngân hàng được hưởng 2% chênh lệch thì NHNN làm gì có trái phiếu nào, nguồn vốn nào 1% để cho vay các ngân hàng, tái cấp vốn 1%, nên không hợp lý. Nếu phát hành trái phiếu thì cũng phải ở mức 7%, nếu tái cấp vốn cho các ngân hàng 1% thì Chính phủ sẽ phải bù lỗ cho người dân tới 6% là không ổn”, vị chuyên gia phân tích.
Theo ông Hiếu, vấn đề của gói 30.000 tỷ không phải là lãi suất bao nhiêu phần trăm mà là thời hạn trả nợ. Với mức lãi suất hiện tại mà gói 30.000 tỷ đang áp dụng là 5%, ông Hiếu cho rằng là rất hợp lý.
“Tuy nhiên, cần kéo dài thời gian cho vay ít
Gói 30.000 tỷ đồng “mắc kẹt” không phải vì lãi suất cho vay ở mức 5 hay 6% mà do thị trường bất động sản đang thiếu căn hộ có diện tích nhỏ.
(Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành)
nhất là 20 năm, thậm chí có thể lên đến 30 năm là điều người dân đang cần. Nếu càng kéo dài thời gian cho vay thì số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng của người đi vay sẽ giảm đi, điều này sẽ giúp người dân có thể dễ dàng hơn trong việc trả nợ, điều này sẽ thúc đẩy gói tín dụng này”, TS Hiếu đánh giá.
Ngoài vấn đề lãi suất cho vay, thời gian trả nợ, vị chuyên gia này cho rằng cần tạo điều kiện hơn cho người dân trong vấn đề thủ tục. Đồng thời, phía người dân cũng cần hỗ trợ ngân hàng bằng chứng minh thu nhập của mình đủ để trả trong thời gian vay nợ. Ở nước ngoài, dù muốn vay tối đa lên mức 100% cũng vẫn được, trường hợp này thường có đơn vị bảo hiểm sẽ bảo đảm việc vay tiền của người dân, nếu trong trường hợp người vay không thể trả hoặc xảy ra vấn đề gì thì bảo hiểm sẽ là bên chi trả cho ngân hàng, điều này sẽ tránh được rủi ro.
Còn ở góc độ là chủ dự án bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành lại cho hay: Gói 30.000 tỷ đồng “mắc kẹt” không phải vì lãi suất cho vay ở mức 5 hay 6% mà do thị trường bất động sản đang thiếu căn hộ có diện tích nhỏ. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án nhà ở xin chuyển đổi sang căn hộ diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng UBND TP không cho phép nhiều dự án chuyển đổi, đến nay mới chỉ có 5 dự án… chính điều này cũng khiến việc giải ngân gói 30.000 tỷ bị “tắc”, bị “nghẽn”.
Theo ông Đực, người dân chưa tiếp cận được gói lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ không phải vì lãi suất bao nhiêu mà do không có đủ sản phẩm phù hợp với gói này để mua. Vị này cũng đánh giá: 60% quyết định thành công của gói 30.000 tỷ là phải có sản phẩm phù hợp, tức những căn hộ có giá 500 – 700 triệu đồng/căn, vấn đề thủ tục cho vay quyết định đến 30% và lãi suất cho vay chỉ quyết định ở mức 10%.
“Lãi suất 3% hay 5% không quan trọng, người dân sẵn sàng vay gói này ở mức 7% nếu thủ tục dễ dàng và có nhiều sản phẩm phù hợp gói 30.000 tỷ. Nếu có nhiều sản phẩm phù hợp thì mới giải quyết được vấn đề đầu ra, nếu không có sản phẩm thì lãi suất có giảm về 0% cũng chẳng thể giải ngân được”, ông Đực khẳng định.
Trả lời trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội về vấn đề giải ngân gói cho vay lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 20/9/2014 tổng số khách hàng được tiếp cận vay vốn là 7.823 doanh nghiệp và cá nhân. Tổng số vốn cam kết cho vay đạt 5.900 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng. Số vốn cam kết cho hộ gia đình và cá nhân vay là 3.100 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...