Giá đất Sài Gòn - Hà Nội đồng loạt tăng trong năm 2016
- 30/12/2016
- Tin tức thời sự
So với quý I/2016, hiện nay giá đất Sài Gòn đã leo thang khắp các trục đô thị phía Đông - Tây - Nam thành phố. Lượng đất giao dịch càng về cuối năm càng thưa, người có đất đang giữ hàng đầu cơ, thị trường bị đánh giá có dấu hiệu sốt ảo kể từ quý IV.
Quận 9 là địa bàn có biên độ tăng giá đất mạnh nhất khu Đông. Trong 4 quý liền, nhiều tuyến đường ghi nhận biến động giá đất. Đường Lò Lu, đất 50-60 m2 một nền có giá 1,5-1,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Đường nội bộ khu Hưng Phú năm ngoái còn ở mức 9 triệu đồng mỗi m2 nay đã tăng gấp đôi, giá rao bán lên đến 18,5 triệu đồng mỗi m2. Tuyến đường Lê Văn Việt ghi nhận tăng 42%, giá đất từ cột mốc bình quân 42 triệu đồng mỗi m2 đầu năm đến nay đã chạm ngưỡng 59,47 triệu đồng. Đất mặt tiền đường Bưng Ông Thoàn tăng giá 30%.
Ở trục phía Nam TP HCM, giá đất cũng biến động tại quận 7, Nhà Bè và Bình Chánh. Biệt thự Chateau Phú Mỹ Hưng tăng trên 10%. Đất đường Phạm Hữu Lầu tăng hơn 50%, hiện giao dịch 34 triệu đồng mỗi m2. Đường Trần Trọng Cung giá đất tăng trên 30% so với đầu năm, hiện 35-45 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí. Mặt tiền đường Đào Trí tăng từ 29 triệu đồng lên 33-34 triệu đồng mỗi m2.
Giá đất tại TP HCM tăng do tác động của hạ tầng và giới đầu tư, đầu cơ. Ảnh: Vũ Lê |
Trong 6 tháng cuối năm 2016, đất nền dự án tại Phú Xuân (Nhà Bè) từ 6-9 triệu đồng mỗi m2 hiện nay thấp nhất 12,5 triệu đồng mỗi m2. Đất nằm trong khu Phước Kiển 1 từ 35-36 triệu đồng mỗi m2, đã tiến lên 42-43 triệu đồng. Khu vực Bình Chánh, đất gần chợ đầu mối Bình Điền, đường Trịnh Quang Nghị đầu năm mua bán 8-9 triệu đồng mỗi m2 đến tháng 12/2016 đã vọt lên ngưỡng 15 triệu đồng mỗi m2.
Phía Tây TP HCM gồm quận 12, Tân Phú, giá đất đều đi lên với tốc độ nhanh, nhiều tuyến đường tăng 70-80% so với đầu năm. Đất các tuyến đường Nguyễn Hữu Tiến 38-40 triệu đồng mỗi m2, Lê Trọng Tấn (kết nối Nguyễn Thị Tú) đạt 20 triệu đồng mỗi m2, Hồ Văn Long 25-35 triệu đồng mỗi m2. Phố Hà Huy Giáp, tuyến đường chính của khu Thạnh Xuân tăng 20-30% so với đầu năm.
Tổng giám đốc một công ty đầu tư bất động sản gần 2 thập niên quan sát thị trường nhận định, lần tăng giá đất năm 2016 tại Sài Gòn xuất hiện tình trạng nhà đầu tư, đầu cơ đua gom hàng vào, có dấu hiệu sốt ảo. Nguyên nhân giá đất Sài Gòn tăng liên tục trong năm được lý giải do hạ tầng khắp TP HCM ngày càng hoàn thiện hoặc có tiến độ thi công nhanh. Ngoài ra, làn sóng đại gia gom đất đầu tư các dự án quy mô lớn tác động đến tâm lý toàn thị trường, người có đất tự nâng giá cảm tính. Mặt khác, cơn sốt đất còn được xem là trào lưu thay đổi khẩu vị đầu tư sau một thời gian dài nhà chung cư là tâm điểm thị trường.
Đất nền một số dự án khu vực phía Tây Hà Nội có thanh khoản tốt và tăng giá trong năm 2016. Ảnh: N.T |
Trong khi giá đất Sài Gòn tăng trên diện rộng thì tại Hà Nội, cơn sốt cục bộ hơn, chủ yếu ở khu vực phía Tây. Các dự án đất nền được mở bán trong năm 2016 chủ yếu nằm ở khu vực phía ngoài đường vành đai 3 như Khu đô thị Nam 32 (Hoài Đức), Phú Lương, Thanh Hà Cienco 5, Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Duyên Thái (Thường Tín)... với mức giá bán ra thị trường dao động từ 15-30 triệu đồng. Đất nền tại các dự án này chỉ sau vài tháng tung ra thị trường đã tăng giá khoảng 2-7 triệu đồng một m2 so với khi mới mở bán, tùy từng vị trí.
Khu đắt nhất của Đông Anh hiện có có giá khoảng 30 triệu đồng một m2, trong khi đầu năm chỉ vào khoảng 20-23 triệu đồng. Trong khi đó, ở phân khúc nhà đất thổ cư, giá cả một số quận vùng ven biến động mạnh, trong đó lớn nhất phải kể đến Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh... Đà tăng giá ghi nhận từ giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Chuyên môi giới phân khúc thổ cư, Giám đốc Sàn bất động sản Ngọc Sơn - Dương Văn Minh cho hay, khu vực Đông Anh đa số các nhà đầu tư mua theo lô lớn, sau đó xẻ ra thành nhiều lô diện tích nhỏ để bán. Trong năm qua, đất khu gần cầu Nhật Tân, Đông Trù có lô tăng giá tới 30%. Quận Hà Đông, Từ Liêm một số khu vực gần các tuyến đường sắt trên cao hoặc các dự án hạ tầng lớn, mức tăng giá có nơi cũng tới 15-20%, tương đương mức tăng 5-10 triệu đồng mỗi m2. Đây cũng là những khu vực có giao dịch sôi động nhất trong năm qua.
Giám đốc Sàn bất động sản 24h, Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định trong năm 2016, tuy lượng sản phẩm ở phân khúc đất nền được tung ra thị trường không lớn, song tỷ lệ hấp thụ lại khá tốt. Đặc biệt, một số dự án chủ đầu tư không cần tổ chức các chiến dịch marketing, quảng bá dự án song vẫn ghi nhận giao dịch đều đặn.
Chuyên gia này lý giải, một trong những lý do khiến thanh khoản ở phân khúc này khả quan là bởi nguồn cung không quá lớn nên thị trường hấp thụ phần lớn những sản phẩm được tung ra thị trường. Hơn nữa, các dự án bán ra trong năm 2016 mức giá vừa phải, chỉ từ 1,5 đến 3 tỷ đồng mỗi lô nên dễ hút vốn.
Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng nhận định, phân khúc này chủ yếu có sự tham gia của các nhà đầu tư, nhu cầu mua để ở thực chỉ khoảng 20-30%. "Khi các dự án hạ tầng lớn ở khu vực Hà Đông, tuyến đường 32 hoàn thiện, nhiều khả năng dự án sẽ có bước giá tăng lớn đã hỗ trợ đất nền khu vực này có thanh khoản tốt", chuyên gia này cho hay.
Theo VnExpress
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...