Doanh nghiệp kêu than, NHNN “mở van” tín dụng ngoại tệ

Doanh nghiệp kêu than, NHNN “mở van” tín dụng ngoại tệ
NHNN mở lại tín dụng ngoại tệ cho DN có nguồn thu ngoại tệ sau 3 tháng siết chặt 
 
Trước đó, thông tư 24/2015/TT-NHNN về cho vay bằng ngoại tệ đã yêu cầu các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang mua bán USD thuần túy kể từ ngày 31/3.
 
Trong vòng 3 tháng, cộng đồng doanh nghiệp phản ứng kêu than gặp khó khăn về nguồn ngoại tệ, NHNN đã quyết định “mở van” tín dụng ngoại tệ. Song, đối tượng được vay USD trở lại chỉ ở phạm vi hẹp là “các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam”.
 
NHNN cũng đặt ra các điều kiện như: doanh nghiệp vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay được vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
 
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN cho biết, quyết định này dựa trên cơ sở trong những tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô xuất hiện những khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; tình hình hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp...
 
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm phấn đấu giữ vững mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, trong đó tăng trưởng kinh tế năm 2016 ở mức 6,7%.
 
NHNN cũng ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm thay thế cho Thông tư 36. Đáng chú ý, Thông tư 06 đã thay đổi cách xác định và tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (từ 15% lên 35%), ngân hàng thương mại nhà nước (từ 15% lên 25%).
 
NHNN sửa đổi, bổ sung cách xác định và giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng với lộ trình phù hợp. Cụ thể, từ nay đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ với tổ chức tín dụng, ngân hàng Hợp tác xã là 60%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100%, sau đó mới giảm dần các tỷ lệ này.
Theo CafeLand

Bài viết mới nhất