Doanh nghiệp BĐS: Cái giá của đầu tư "nóng"?

Doanh nghiệp BĐS: Cái giá của đầu tư

“Ngủ đông” là trạng thái chung của nhiều dự án hiện nay.

Toan tính…

Vào thời điểm trước năm 2008, đầu tư vào BĐS được cho là “ngon ăn”, các doanh nghiệp đua nhau thổi giá đẩy hàng, “tung hỏa mù”. Nhiều công ty còn tạo ra hiện tượng mua bán ảo để lừa mọi người. Do tâm lý chạy theo đám đông, người dân nhầm tưởng BĐS sẽ tăng giá thật rồi tranh nhau ôm vài ba căn hộ hay vài lô đất nền. Thậm chí, để nhanh tay được hàng, đôi bên giao dịch rất “dễ dãi” khi không cần thông qua sàn hoặc chỉ bằng giấy tay.

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn làm “mưa gió”, thị trường BĐS đột ngột đảo chiều, rớt giá, ế ẩm đến thảm hại khiến cho không biết bao nhiêu người lao đao. Khó khăn nối tiếp khó khăn, chỉ riêng chuyện lãi trả ngân hàng cũng đủ khiến các doanh nghiệp địa ốc “chết” đứng. Nhiều doanh nghiệp BĐS yếu kém bắt đầu “rơi rụng”.

Theo báo cáo của UBND Tp.HCM gửi Chính phủ mới đây, trong số 1.386 dự án phát triển nhà ở tại TP hiện có 712 dự án ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng.

Hàng loạt ông lớn đã tìm đủ đường để thoái lui khỏi lĩnh vực đầu tư được cho là “ngon ăn” này. Tại Hà Nội, cuộc “rút chạy” khỏi các dự án BĐS đang diễn ra theo nhiều cách, phổ biến và ào ạt thời gian gần đây là rao bán, chuyển nhượng dự án như: Toà nhà CT5 Việt Hưng, VP6 Linh Đàm, dự án Sky Park Residence ở Hà Nội.

Tại Tp.HCM, HĐQT Công ty Cổ phần Savimex đã thông qua việc bán dự án khu nhà ở 5ha tại phường Phú Mỹ, quận 7. Công ty Cổ phần Licogi 16 đã công bố thông qua quyết định về việc chuyển nhượng dự án Sky Park Garden. Hay dự án chung cư Bàu Sen cũng được Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu làm thủ tục chuyển nhượng.

Vào ngày 9/11 vừa qua, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) đã quyết định chuyển nhượng dự án Khu dân cư Tân Vũ Minh - Bình Dương Riverside với giá trị 70 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư ban đầu chỉ hơn 28 tỷ đồng.

Và… bi kịch

Thị trường BĐS đã không còn “ngon ăn” như nhiều người từng nghĩ. Dòng vốn vay bị ách tắc, “ngâm” trong các công trình, sản phẩm làm ra không được tiêu thụ. Trước những khó khăn chồng chất, để sống sót, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán cổ phần cho đối tác. Thậm chí, có những doanh nghiệp phải bán bớt công ty con hoặc chuyển giao ngành nghề mình đang kinh doanh cho các đối tác với hy vọng giải quyết những khốn đốn trước mắt.

Chính vì vậy, ngay từ khi có thông tin gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực BĐS được xem như một cái “cọc” có thể cứu doanh nghiệp khỏi dòng nước xoáy. Nhiều doanh nghiệp xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tại Tp.HCM, đã có 24 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Còn tại Hà Nội cũng có 21 dự án chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Thế mới thấy, không thể không nghi ngờ về “mục tiêu” của các doanh nghiệp khi xin chuyển đổi dự án ngay sau khi có gói hỗ trợ này. Xét ở gốc độ khác, “cứu cánh” từ gói 30 nghìn tỷ ví như “cực chẳng đã” mới được các doanh nghiệp để mắt tới. Bởi trước đây, vào thời kỳ hưng thịnh của BĐS, có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy doanh nghiệp nào đầu tư vào nhà ở xã hội. Song, quá trình chuyển đổi này cũng không hề dễ dàng.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vừa qua cho biết, tính đến nay, cả nước đã có 56 chủ đầu tư đăng ký xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, với quy mô 34.533 căn hộ. Tuy nhiên, tiến độ cho phép chuyển đổi dự án còn chậm, tại Hà Nội mới có 15 dự án được chấp thuận chủ trương và 3 dự án có quyết định chính thức, tại Tp.HCM, mới có 1 dự án được chính thức chuyển đổi.

Do cách làm ăn không dựa trên nhu cầu thực của thị trường, cứ thấy lợi nhuận thì nhảy vào, thấy thua thì rút. Sự “ăn xổi” của một số doanh nghiệp đã dẫn đến sự thiệt thòi của số đông và tác động tiêu cực không nhỏ nền kinh tế. Đây sẽ là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp muốn làm giàu nhanh nhưng lại không nghiên cứu kỹ thị trường.

Song Yến(Cafeland)

 

Bài viết mới nhất