Đô thị vệ tinh TP. HCM, 10 năm vẫn giậm chân tại chỗ
- 02/04/2014
- Tin tức thời sự
Nhà đầu tư bỏ cuộc
Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc là chủ trương lớn của TP. HCM trong quá trình phát triển đô thị. Đây được xem như một trong những đô thị vệ tinh quan trọng của Thành phố trong quá trình phát triển đa cực, nhằm mục tiêu giãn dân, cũng như giảm khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực. Chuỗi phát triển đô thị này kéo dài từ Củ Chi đến Hóc Môn, tập trung phát triển các cụm dân cư, làng đại học, dịch vụ y tế, vui chơi giải trí… Thời gian qua, nhiều dự án đã được cấp phép, nhưng sau đó, nhà đầu tư thu hẹp dự án, thậm chí có nhà đầu tư xin trả lại dự án.
Đơn cử, siêu Dự án đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) được cấp phép ngày 1/7/2007 với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD, là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại TP. HCM từ trước đến nay, nhưng đến giờ phần lớn vẫn chỉ trên giấy.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam cho biết, quy mô dự án hơn 900 héc-ta, nhưng nay, Tập đoàn chỉ có thể triển khai trước 200 héc-ta, làm theo hình thức cuốn chiếu, chủ yếu xây dựng các khu tái định cư, còn đô thị đại học vẫn chưa tính tới. Hiện tình hình còn rất khó khăn, nếu Berjaya đổ tiền vào đây mà không khai thác được thì rất nguy hiểm.
Cách đây 5 năm, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) cũng khởi công rầm rộ nhiều dự án khu dân cư tại Khu đô thị Tây Bắc với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Tại lễ khởi công, đại diện chủ đầu tư phác họa hình ảnh một đô thị hiện đại sau khi các dự án này được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, mới đây, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc CII cho biết, Công ty đã trả lại các dự án trên cho Thành phố, vì dự án nhằm mục đích tái định cư và bán cho cư dân đến sinh sống và làm việc tại Khu đô thị Tây Bắc, nhưng “đầu ra” không có, nên phải dừng lại. Bà Trâm cũng thừa nhận, CII tốn khá nhiều tiền trong quá trình chuẩn bị đầu tư, nhưng dừng sớm còn hơn để kéo dài mà không biết khi nào mới về đến đích.
GS-TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học cho rằng, các địa điểm TP. HCM xác định để phát triển đô thị vệ tinh chưa hấp dẫn nhà đầu tư và người dân. Một thành phố vệ tinh xuất hiện không đơn giản chỉ từ một quyết định hành chính, hay một vài “cò” đất thổi giá, mà cái chính là phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao.
Lý do vì hạ tầng
Thực tế cho thấy, từ trung tâm Thành phố lên Củ Chi chừng 25 km, nhưng phải mất hơn 2 giờ đi xe hơi do giao thông thường xuyên ùn tắc, nên các nhà đầu tư và người dân ngán ngại.
Việc mở rộng mặt đường hiện hữu rất khó khăn.
Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín cũng thừa nhận, ách tắc giao thông là một trong những trở ngại lớn để phát triển đô thị vệ tinh. Về lâu dài, sẽ phải đầu tư những con đường lớn, các tuyến tàu điện ngầm, metro… nhằm kết nối thông suốt giữa các khu vực.
Đã có một số ý kiến đề xuất, thay vì mở rộng tuyến đường hiện hữu, Thành phố nên xây dựng tuyến đường trên cao, hoặc tuyến xe điện một đường ray và triển khai bằng hình thức BT (xây dựng chuyển giao) theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, phương thức này chỉ khả thi với những nơi đất đai có giá, còn vùng đất mới khó thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, chính quyền phải ứng trước xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm tạo ra hiệu ứng cạnh tranh, sau đó thu hồi lại vốn qua giá thuê đất.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, việc phát triển thành phố vệ tinh khả thi nhất là hướng về phía Đông Bắc của Thành phố. Đây là vùng đất cao ráo, có nhiều cơ sở đã hình thành như cụm các trường đại học lớn, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển và đặc biệt, khu vực này ở vị trí giao thoa với những vùng phát triển năng động như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
GS-KTS. Lưu Thái Kơ, nhà thiết kế chính tạo nên một Singapore hiện đại từng phát biểu tại một hội thảo ở TP. HCM rằng, nếu như biết tính toán, thì khu vực Đông Nam Bộ của Việt Nam sẽ có một vùng đô thị hiện đại với một dải đô thị mới, kéo dài từ chân cầu Sài Gòn, song hành với xa lộ Hà Nội đến Biên Hòa (Đồng Nai) và phần vắt ngang kéo dài từ TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) qua TP. Biên Hòa tới Long Thành (Đồng Nai).
Cơ hội để thực hiện ý tưởng đó đã qua, nhưng việc hình thành khu đô thị vệ tinh mang tính chất vùng thì hoàn toàn trong tầm tay, nếu cấp lãnh đạo quyết tâm, bởi điều kiện cần đã có, nay chỉ việc đầu tư tập trung, dứt điểm và quyết liệt, nhất là về hạ tầng, thì chỉ 5 năm nữa sẽ có khu đô thị vệ tinh.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...