Đô thị trung tâm

 

ảnh post

Đô thị trung tâm có tính chất chỉ vị trí khu đất trung tâm đô thị, nơi kế thừa các di tích lịch sử hình thành đô thị, nơi có mật độ xây dựng tập trung cao về nhà ở, các công trình công cộng về hành chính văn hóa thương mại, dịch vụ công cộng v.v..

Đặc điểm cơ bản của đô thị trung tâm là nơi luôn luôn có không khí tấp nập, nhộn nhịp do tập trung nhiều chức năng và hệ thống phục vụ công cộng của đô thị về hầu hết các mặt. Ở đây không chỉ xây dựng các công trình mang tính chất hành chính của thành phố, các công trình văn hóa giáo dục, các công trình khoa học và các trụ sở giao dịch ngân hàng, các cửa hàng dịch vụ thương mại khách sạn du lịch v.v.. mà còn cả các công trình nhà ở cũ và mới xây dựng cùng với hệ thống cây xanh cảnh quan đô thị tạo nên một không khí đô hội, thậm chí có khi hoạt động liên tục cả ngày đêm.

Do tính chất phục vụ và không khí nhộn nhịp của các dịch vụ công cộng trong trung tâm đô thị cho nên cơ cấu tổ chức quy hoạch đô thị mới các công trình nhà ở thường được đưa ra ngoài khu vực trung tâm. Các công trình dịch vụ công cộng cũng được tập trung thành cụm riêng có cùng chức năng tương tự.

Đối với  đô thị trung tâm, các thách thức chủ yếu tập trung vào cải tạo không gian đô thị sẵn có, các công trình kỹ thuật hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Việc quy hoạch địa bàn này với mục tiêu ưu tiên là nâng cao sức hấp dẫn và sự vận hành tổng thể - được thể hiện qua các dự án cải tạo các quần thể công trình xây dựng, điều chỉnh lại cấu trúc không gian đô thị, xây dựng thêm các công trình hạ tầng v.v.. dần dần theo quá trình “tiếp tục phát triển” của toàn vùng đô thị.

Nhìn chung, những đô thị lớn lâu đời nhất tại các nước phát triển đều đã được cải tạo một phần  từ thế kỷ XIX và XX và đến nay vẫn tiếp tục được duy trì. Do vây, yêu cầu hiện đại hóa và quy hoạch lại về mặt bằng tổng thể không đặt ra một cách quá cấp thiết như với các trường hợp của những đô thị tại các nước đang phát triển nơi có nhịp độ tăng trưởng đô thị chỉ mới bắt đầu từ 30 hoặc 40 năm nay. Mạng lưới đường xá khá phù hợp với tốc độ gia tăng xe hơi của cá nhân; chiếm từ 20% đến 30% mặt bằng đối với đô thị ở các nước châu Âu trong khi đó chỉ chiếm trung bình 15% ở các thành phố châu Á. Hơn nữa hệ thống giao thông công cộng và các dịch vụ đô thị cơ bản đều đã được thiết lập từ lâu.

Các dự án quy hoạch đối với các đô thị trung tâm về bản chất đều có liên quan đến lịch sử của chính những đô thị đó, còn được gọi là đô thị lõi lịch sử.

Tuy nhiên cũng có quan niệm cho rằng đô thị trung tâm còn bao gồm cả các khu vực mở rộng hoặc cụm đô thị gần kề bao quanh khu đô thị lõi lịch sử.

Các thành phố lớn không phải là thủ đô ở các nước đang phát triển  thì  đô thị trung tâm hầu hết được cải tạo xây dựng thành các khu trung tâm thương mại dịch vụ (Centre Business District-CBD) như Hong Kong hoặc xây dựng mới  một cực phát triển chính nằm ngoài đô thị trung tâm như Phố Đông Thượng Hải vượt qua sông Hoàng Phố.

Còn đối với các thành phố thủ đô thì có 2 mô hình phát triển: 

(1) Chỉ có chức năng là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính…” như Washington DC (Mỹ), Canberra (Úc), Ottawa  (Canada) v.v..

(2) Vừa có chức năng  “Trung tâm đầu não hính trị - hành chính …”, vừa  có chức năng  “Trung tâm kinh tế - thương mại…” như Paris  (Pháp),Tokyo ( Nhật bản), Bangkok ( Thái Lan), Manila (Philippine) , Seoul (Hàn Quốc) v.v..

Đối với mỗi mô hình nêu trên đô thị trung tâm cần có cách tiếp cận đồng bộ nhằm duy trì các yếu tố cấu thành đô thị trung tâm thành phố thích hợp với từng mô hình thành phố.

Đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội

“Hà Nội là Thủ đô Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt, là trung tâm văn hóa giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước, là một  trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ của khu vực châu Á”.

Như vậy Thủ đô Hà Nội có cả 2 chức năng  là: “Trung tâm đầu não chính trị- hành chính...” và  “Trung tâm  kinh tế- thương mại...”.

Khu đô thị trung tâm Hà Nội bao gồm đô thị lõi lịch sử và các khu vực mở rộng.

Đô thị trung tâm là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, lịch sử, y tế, đào tạo chất lượng cao và khoa học kỹ thuật của cả nước, khu vực và thành phố Hà Nội, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ của khu vực châu Á,  có diện tích khoảng 740km2, dân số 4 - 4,5 triệu người, được mở rộng từ đô thị lõi lịch sử về phía Tây đến đường vành đai IV, về phía Bắc sông Hồng – Khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm.

Đô thị lõi lịch sử được kiểm sóat sự gia tăng dân số, mật độ và tầng cao xây dựng, bảo tồn hệ thống di sản vật thể và phi vật thể của vùng văn hoá Thăng Long cổ và văn hóa Tràng An như: khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố cổ Hà Nội /36 phố phường / “khu phố - chợ”, khu phố cũ/khu phố Pháp, cải thiện hạ tầng, chỉnh trang kiến trúc cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Trụ sở của cơ quan Hà Nội tại khu vực Hồ Gươm. Hệ thống cơ quan công sở, an ninh, quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình. Bố trí thêm trụ sở cơ quan trung ương ở Tây Hồ Tây.

Khu trung tâm thương mại dịch vụ (CBD) có thể được đặt tại khu vực Mỹ Đình, nơi đây đã có Trung tâm Hội nghị quốc tế và Sân vận động quốc gia.

- Khu mở rộng phiá Nam sông Hồng  là chuỗi đô thị đường vành đai IV: Đan Phượng – Hoài Đức – Hà Đông - Thường Tín phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm thương mại,  dịch vụ, tài chính v.v.. với mật độ cao hình thành Khu trung tâm thương mại dịch vụ khu vực Nam sông Hồng (Sub-Centre Business District - SCBD) được tách khỏi đô thị lõi lịch sử bằng vùng đệm ngăn cách là vành đai sông Nhuệ. 

- Khu vực mở rộng phiá Bắc sông Hồng, là một bộ phận thiết lập đô thị trung tâm đảm bảo ý tưởng chủ đạo của đô thị Hà Nội là thành phố hai bên sông, hình thành các không gian chủ đạo về cây xanh mặt nước, văn hóa. Trục  động lực kinh tế cầu Nhật Tân – Nội Bài gắn với trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ du lịch, triển lãm, logistic… hình thành Khu thương mại dịch vụ  khu vực Bắc sông Hồng (SCBD). Đây là một  bộ phận của đô thị trung tâm và sẽ là nội thành tương lai, gồm các khu vực: Gia Lâm, Long Biên v.v.

Đô thị trung tâm TP. Hồ Chí Minh

Mục tiêu của thành phố là “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nhiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cục đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. 

Như vậy Thành phố Hồ Chí Minh có chức năng chủ yếu là “Trung tâm kinh tế - thương mại…”

Theo Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh & Nikken Sekkei “Khu  thương mại dịch vụ (CBD) mở rộng sẽ được hình thành từ khu CBD hiện hữu (gồm khu nội thành cũ và Chợ lớn) kết hợp với các trung tâm đô thị mới hình thành, gồm: Nam Sài Gòn và Đô thị mới Thủ Thiêm. Dự báo xu thế phát triển tập trung các ngành dịch vụ cao cấp gồm tài chính, ngân hàng và thông tin vẫn sẽ tiếp diễn, phục vụ nhu cầu cho cả khu vực bên ngoài ranh giới Thành phố Hồ Chí Minh (cho cả vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh)”

Theo Pratice Berger – Agence d’urbanism de Lyon “Khu CBD được đề nghị là chuỗi đô thị Thủ Thiêm - Trung tâm hiện hữu - Chợ Lớn, lần lượt được định vị trên 2 bờ sông Sài Gòn với mật đô cao hơn các nơi khác của thành phố”.

Có thể nói  đô thị lõi lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là Sài Gòn (từng được mệnh danh là Hòn  Ngọc Viễn Đông từ năm 1930). Do yêu cầu của một CBD  thành phố đã phải cho xây chen nhiều cao ốc làm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, nhà ở cao cấp v.v.. khiến cho kẹt xe ngày càng gia tăng, tuy nhiên nếu cứ tiếp tục xây chen thì các cao ốc sẽ lấn át cảnh quan bản sắc (ethnoscape) của Sài Gòn xưa. 

Để trở thành “Trung tâm kinh tế thương mại…”  của cả nước và khu vực Đông Nam Á, năm 2004  thành phố  đã quyết định  mở rộng khu đô thị trung tâm sang Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn với 1 đường hầm thuộc Đại lộ Đông Tây (Q1), 5 cầu (kết nối giữa Thủ Thiêm với Bình Thạnh, đường Tôn Đức Thắng Q1, công trường Mê Linh Q1, Q4 và Q7) và 1 tuyến metro nối 3 ga của Thủ Thiêm với ga trung tâm Bến Thành,  để khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm  kết nối với Sài Gòn-Chợ Lớn trong đô thị trung tâm trở thành Khu thương mại dịch vụ (CBD).

Bán đảo Thủ Thiêm rộng 737ha, tọa lạc dọc theo bờ sông Sài Gòn đối diện với khu trung tâm lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh, được Sasaki Associates (Mỹ) quy hoạch  bao gồm 5 khu:

- Khu lõi trung tâm: 

(i)Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính và du lịch     

(ii)Trung tâm hội nghị quốc tế và triển lãm

(iii)Sân vận động ngoài trời và nhà thi đấu

(iv)Tháp truyền hình gắn với trung tâm viễn thông

(v)Khu vui chơi giải trí

(vi)Những không gian đan xen giữa nhà ở và văn phòng làm việc.

- Khu đa chức năng Đại lộ Đông Tây:

(i)Viện Bảo tàng Nam Bộ. Viện Nghiên cứu Y khoa

(ii)Khu dân cư

(iii) Khu hành chính/ khu công nghệ cao

- Khu dân cư phía Bắc

- Khu dân cư phía Đông 

- Khu vực ngập nước phía Nam

Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm  bao bọc bởi sông Sài Gòn được hình thành sẽ kéo theo sự phát triển các đô thị đối diện như: Một phần Quận Bình Thạnh thông qua cầu Thủ Thiêm -  Bình Thạnh, Quận 4 thông qua cầu Thủ Thiêm - Q4 và  kết nối với  khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng thông qua cầu Thủ Thiêm - Q7.

Có thể nói đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm  Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, một phần Quận Bình Thạnh, Q4, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở một bên bờ sông Sài Gòn và Thủ Thiêm ở bờ sông đối diện.

Sau khi hoàn tất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm với tầng cao không hạn chế và cải tạo chỉnh trang các đô thị hiên hữu, bảo tồn các công trình cổ của Sài Gòn xưa đối diện với Thủ Thiêm qua trục sông Sài Gòn, kết hợp cây xanh đôi bờ với mặt nước sông, thì thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành “Hòn Ngọc tỏa sáng”. 

Nguồn: Tạp chí Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng

Bài viết mới nhất