“Cố thủ” ở cư xá Thanh Đa

Ngày 19-3-2014, UBND quận Bình Thạnh, TP HCM ra quyết định di dời khẩn cấp 299 hộ dân tại lô IV và lô VI cư xá Thanh Đa, phường 27 vì nơi này nghiêng, lún nghiêm trọng. Đến nay, đã có 288 hộ di dời đến chung cư 1.050 căn tại phường 12, quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, vẫn còn 11 hộ không chịu di dời. Trước tình trạng này, ngày 6-1, UBND TP HCM đã ra quyết định các hộ dân nêu trên phải di dời trong vòng 10 ngày, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế.

“Muốn đi thì phải đền bù!”

Những ngày này, khu vực lô IV và lô VI cư xá Thanh Đa khá yên tĩnh vì hầu hết các hộ dân đã di dời trước đó. Lý do mà 11 hộ còn lại chưa chịu di dời là vì chưa nhận được tiền bồi thường cũng như chưa biết phương án bồi thường.

“Cố thủ” ở cư xá Thanh Đa
Lô IV cư xá Thanh Đa đã xuống cấp nghiêm trọng Ảnh: Hoàng Triều

“Sáng 14-1, UBND phường 27 đã đến đưa quyết định về việc phải di dời nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết ở lại. Gia đình tôi ở tầng trệt, qua bên kia phải lên lầu cao, lại phát sinh nhiều chi phí như gửi xe, bảo trì… Tôi chỉ muốn nhận tiền và tự lo nơi ở mới” - ông Kiệt (ngụ lô IV) nói.

Chị Yến (ngụ lô IV) cho biết chưa di dời là vì chưa biết phương án bồi thường, tiền nhận được là bao nhiêu. “Tôi sống ở đây mấy chục năm nay, có sao đâu! Cư xá đã xuống cấp từ lâu sao quận không lo? Giờ quận lấy lý do di dời khẩn cấp vì mất an toàn mà bắt chúng tôi đi là không được. Muốn chúng tôi đi thì phải đền bù, chứ đi rồi sau này tìm ai mà đòi bồi thường?” - chị Yến gay gắt.

Một số hộ còn lại cũng khẳng định khi nào có phương án bồi thường và nhận được tiền thì mới dời đi. “Lúc vận động di dời, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận nói từ khi có quyết định thu hồi đất đến phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 180 ngày. Dự kiến vào tháng 10-2014 nhưng nay đã là tháng 1-2015 mà vẫn chưa có phương án bồi thường” - một người dân ngụ lô VI đặt vấn đề. Một số hộ mong muốn được gặp trực tiếp lãnh đạo quận và TP để biết rõ hơn về chính sách bồi thường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 8/11 hộ hiện ở tầng trệt, một số hộ kinh doanh tạp hóa, trông giữ xe nên qua nơi ở mới sẽ mất nguồn thu. Ngoài ra, nhiều hộ cho rằng họ đủ điều kiện mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61, đã làm thủ tục nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Phê duyệt chính sách bồi thường sau

Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết việc di dời hiện nay là theo tinh thần di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; còn mọi chính sách bồi thường sẽ được phê duyệt sau theo Luật Đất đai năm 2013.

Về việc đến giờ vẫn chưa có chính sách bồi thường, ông Huy giải thích: “Quận cũng rất nóng ruột, khổ là chuyện di dời nhằm ngay lúc giao thời giữa luật cũ với luật mới nên chậm tiến độ. Quận đang đề nghị TP thông qua chủ trương thực hiện quy hoạch cư xá Thanh Đa vì theo Luật Đất đai năm 2013, những dự án nào chưa phê duyệt phương án bồi thường trước ngày 1-7-2014 thì buộc phải được TP chấp thuận cho tiếp tục thực hiện. Sau đó, quận sẽ xây dựng phương án bồi thường theo quy định mới và trình duyệt giá bồi thường. Dự kiến, xong 3 bước này cũng mất 3 tháng”. Theo ông Huy, quận Bình Thạnh đã chuẩn bị sẵn dự thảo phương án bồi thường và thuê tư vấn thẩm định giá.

Chính sách di dời được thực hiện để bảo đảm quyền lợi của các hộ dân ở cư xá Thanh Đa. Việc bố trí căn hộ mới là theo nguyên tắc diện tích căn hộ tái định cư tối thiểu tương đương diện tích căn hộ cũ. Những trường hợp đang sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước được tiếp tục thuê nhà đối với căn hộ mới, giá bằng căn hộ cũ. Trường hợp có nhu cầu mua căn hộ tái định cư thì được xem xét giải quyết bán theo diện nhà thuộc sở hữu nhà nước với phần diện tích bằng căn hộ cũ (trừ phần lấn chiếm). Phần diện tích chênh lệch giữa căn hộ cũ và căn hộ mới được bán theo giá thị trường.

“Chủ trương này rất hay vì đây là di dời theo dạng lún, có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào” - ông Huy nhìn nhận. Đối với việc chênh lệch vị trí, ông Huy cho biết trong di dời bồi thường có hỗ trợ cho việc sản xuất kinh doanh. Quận Bình Thạnh sẽ thẩm định giá của tầng trệt với chỗ ở mới để hỗ trợ một hệ số cụ thể cho người dân.

Ông Huy mong muốn các hộ dân chấp thuận chủ trương này vì việc di dời vẫn bảo đảm đúng, đủ quyền lợi như ở chung cư cũ. “Cưỡng chế là biện pháp cuối cùng. Quận sẽ cố gắng tiếp tục gặp gỡ, giải thích với các hộ dân để không phải thực hiện cưỡng chế” - ông khẳng định.

Phan Anh - Đức Thanh (NLĐ)

Bài viết mới nhất