Có thể tăng thời gian cho vay nhà trong gói 30.000 tỷ đồng


Theo ông Trần Xuân Châu, Vụ phó Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước đang tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Ông Châu cho rằng, thời hạn cho vay lãi suất ưu đãi có nhiều bất hợp lý. Theo quy định, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi này tối đa 10 năm (đối với khách hàng cá nhân) và không quá 5 năm (với doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà), tính từ 1/6/2013.

“Chúng tôi sẽ đề xuất với Thống đốc nghiên cứu kéo dài thời hạn cho vay, có thể lên đến 15 năm để tạo điều kiện cho người dân tích đủ vốn mua nhà”, ông Châu khẳng định.

Tính đến 15/1, số tiền giải ngân trong gói 30.000 tỷ đồng lên tới hơn 862 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Lan.

Theo quy định hiện hành, trong gói 30.000 tỷ đồng đồng, ngân hàng sẽ dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp. 70% còn lại sẽ cho người mua vay như một biện pháp kích cầu. Tuy nhiên, theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp ở mức cao hơn. “Các tổ chức tín dụng có thể căn cứ trên cơ sở tình hình tài chính, thực trạng doanh nghiệp, các dự án doanh nghiệp đầu tư để đưa ra mức tỷ lệ cho vay hợp lý”, ông Châu nói.

Lãnh đạo Vụ tín dụng cũng cho biết sẽ bổ sung thêm một số tổ chức tín dụng có đối tượng khách hàng là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được tham gia gói 30.000 tỷ đồng.

Đồng tình quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần bổ sung chỉ định thêm một số tổ chức tín dụng tham gia gói 30.000 tỷ đồng. “Hiện nay có 5 ngân hàng tham gia gói 30.000 tỷ đồng, nhưng một số nhà băng còn rụt rè. Trong khi đó ngân hàng cổ phần lại đề xuất muốn tham gia gói 30.000 tỷ đồng, bởi vậy cần tạo điều kiện”, ông Nam cho hay.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng, thời gian cho vay người dân, doanh nghiệp vay cũng nên kéo dài thêm để tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tham gia gói 30.000 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được tung ra từ đầu tháng 6/2013 theo tinh thần của Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng tồn kho, nợ xấu, trong đó có ngành xây dựng bất động sản. Theo báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 15 doanh nghiệp với số tiền 1.390 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 8 doanh nghiệp với số tiền 380,45 tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân, 5 ngân hàng đã cam kết cho vay 1.994 khách hàng cá nhân với số tiền khoảng 720 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân gần 482 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến 15/1, số tiền giải ngân trong gói 30.000 tỷ đồng lên tới 862,45 tỷ đồng, tương đương 2,8%. Con số này tăng 130 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2013.

Theo VnExpres

Bài viết mới nhất