Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, Phó Thủ tướng: Đừng để một cửa, nhiều khóa

Hơn 100 vướng mắc giữa hai luật

Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho biết, còn nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Đặc biệt, giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có tới gần 100 vướng mắc cần xử lý, trong đó có trình tự cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Việc cấp phép xây dựng đang rất khó khăn nếu yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. “Với điều kiện cả về vật chất và con người mà TPHCM hiện mới có 60% diện tích được quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000. Bây giờ yêu cầu phải có quy hoạch tỷ lệ 1/500 mới cấp phép xây dựng là bất khả thi. Một lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố cho biết cần 1.000 tỷ đồng để làm xong quy hoạch xây dựng 1/500 của toàn thành phố” - Bà Hương cho biết và kiến nghị, sớm thay thế những thủ tục, văn bản mâu thuẫn, chồng chéo và đẩy mạnh phân cấp, tăng thẩm quyền xử lý cho địa phương.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư phải chạy ngược xuôi để có bản quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500, trong khi đáng ra Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh lại cho rằng, việc yêu cầu quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 trước khi cấp phép là cần thiết bởi không có quy hoạch thì không thể quản lý được. Đến nay các địa phương chưa hoàn chỉnh đồng bộ các quy định để làm căn cứ cho việc xem xét cấp giấy phép xây dựng dẫn đến tình trạng thỏa thuận về địa điểm, quy mô, kiến trúc công trình, dẫn đến việc cấp phép còn khó khăn, thực thi tùy tiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, cần rà soát lại tất cả các quy định để xử lý những nội dung còn bất cập, từ đó, khớp nối, thống nhất giữa các thông tư, nghị định đã ban hành.

Ông Sửu cho rằng, phải bổ sung, hướng dẫn sớm Nghị định 69 về chính sách khuyến khích xã hội hóa. Cũng theo ông Sửu, hiện nay, các quy định liên quan đến triển khai dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) gần như “đứng im”, không triển khai được, trong khi chỉ trông chờ nguồn lực ngân sách để đầu tư thì rất hạn chế.

Không để một cửa nhiều khóa

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Như ý.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, hiện nhà đầu tư phải thực hiện 18 thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Nhiều địa phương mở “một cửa” nhưng nhiều “ngách”.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc cho rằng, trong thông điệp đầu năm mới Thủ tướng đã nhấn mạnh đến yêu cầu cải cách thể chế và trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2014 Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp về cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng, cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư vẫn gặp khó khăn, phiền hà. Đáng lưu ý là chưa có quy trình thống nhất từ khi chuẩn bị dự án cho đến triển khai. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận định, đây là lĩnh vực “dập dìu mãi mà chưa thoát ra được”.

Các cơ quan nhà nước vẫn còn tâm lý giành việc, chưa chia sẻ với nhau. Theo ông Trường, thủ tục không “chạy” có hai nguyên nhân, một là cán bộ không thạo việc để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần mới nộp đủ hồ sơ. Hai là cán bộ thạo việc nhưng nhũng nhiễu, cố tình “ngâm” hồ sơ. “Chúng ta nói một cửa liên thông nhưng một cửa một khóa thôi, chứ nhiều khóa thì rất khó”- ông Trường nói.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những nội dung đã làm được trong cải cách hành chính những năm qua, nhất là Đề án 30. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, trở ngại trong thủ tục đầu tư kinh doanh. Phó Thủ tướng yêu cầu phải công khai, minh bạch, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này, không để đụng đến đất đai, xây dựng là vướng.

“Phải có một đầu mối chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Không để tình trạng đường thì tắc mà người dân phải đi từ sở này sang sở kia, hẹn hò mãi chưa được giải quyết”- Phó Thủ tướng nói và yêu cầu, cần khắc phục tình trạng “một cửa mà lại nhiều khóa, nhiều ngách”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư phải chạy ngược xuôi để có bản quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500, trong khi đáng ra Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp cho nhà đầu tư.

 

Hà Nhân (Báo Tiền Phong)

 

Bài viết mới nhất