BĐS thời khó mua - khó bán: Nội thất "chết" lây?

Quý IV hàng năm được xem là mùa "gỡ" của dân đầu tư, bán hàng địa ốc. Đặc biệt, nhiều dự án đã mau mắn đẩy hàng bằng phương án bàn giao thô như một cách hỗ trợ ngành nội thất, vật liệu. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Đủ "chiêu" khuyến mãi, nhiều đường câu khách

Từ 2009, khi xây dựng - BĐS còn "vượng", thị trường nội thất nói chung, đồ gỗ gia dụng nói riêng đã bắt đầu rơi vào tình trạng ế ẩm. Thảm trạng trên diễn ra rõ nhất ở Hà Nội và một số địa bàn gần sát, như Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Xuân Mai…

Nhiều chủ cửa hàng hiện may mắn duy trì được địa điểm, nguồn cung lẫn khách hàng tiêu dùng nhớ lại, 5 năm trước, mặt bằng giá đồ gỗ nội thất như giường, tủ, kệ bếp đua nhau giảm 30 - 50% để cạnh tranh thu hút người mua.

Khi ấy, cơn khốn khó còn xảy đến với các siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh có thương hiệu như Mê Linh Plaza, dọc con phố Cát Linh (nổi tiếng với DN Hùng Túy) hay Đê La Thành. Ngay cả trong dịp cận Tết Nguyên đán, sức mua tại các siêu thị phổ biến giảm ở mức… 50% là tối thiểu.

Thị trường nhà đất "sụt" nhiều hơn "trồi", đồng nghĩa kinh doanh sản phẩm phụ trợ cũng vất vả liên miên. Ngoại trừ số ít những đơn vị DN sản xuất có bề dày về thương hiệu (và ít điều tiếng) được giới tạo lập đặt hàng ngay từ lúc công trường dự án còn sơ khai, còn lại các cửa hàng chuyên doanh, thứ cấp phân phối lại đang vật lộn với bài toán lỗ - lãi.

Chủ đầu tư áp dụng đồng thời nhiều gói bán hàng khá linh hoạt để thúc đẩy người mua "xuống tiền". Trong đó, bàn giao thô (với đơn giá thấp hơn, người mua tự hoàn thiện nội thất) được cho là hợp lý trong bối cảnh hầu bao ngày càng thắt chặt của "Thượng đế". Đương nhiên, từ các siêu thị nội thất hoàn thiện tới các cửa hàng kinh doanh VLXD tư nhân khó lòng bỏ qua lực mua tiềm năng này.

Tình trạng ế ẩm hiện hữu trên nhiều con phố được cho là "chợ nội thất"

Đứng hàng "top" (về mẫu mã lẫn giá cao - theo dân kinh doanh bán lẻ), Nội thất Nhà Xinh cũng ráo riết thực hiện giảm giá sản phẩm nội thất (bàn ghế sopha, bàn trà, tủ bếp, thiết bị bếp) nhân khai trương Showroom ở quận Hai Bà Trưng. Tuy vậy, đơn vị có tuổi đời 2 năm này có phần tự tin khi chỉ đưa ra mức giảm khiêm tốn (5% áp dụng cho đơn hàng trên 15 triệu đồng).

Trong khi đó, một DN chuyên doanh sản phẩm nội thất nhập khẩu cao cấp (trụ sở tại ngõ 183 Hoàng Văn Thái) cập rập giảm giá 30 đến hơn 50% "toàn tập" các mặt hàng đồ gỗ. Tìm hiểu, đây đều là những bộ bàn ghế, tủ áo giá siêu khủng, giá niêm yết đỉnh điểm lên tới trên 30 triệu đồng/chiếc (giường da).

Nỗi lo lắng hiện hữu trên nhiều con phố được cho là "chợ nội thất" như Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Hoàng Hoa Thám, Chùa Bộc, Thái Hà.

Dọc chuỗi cửa hàng đồ gỗ cung cấp các mặt hàng đến từ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Hòa Phát hay Thụy Điển mặt đường Nguyễn Trãi, các chủ tiệm đều đồng loạt giăng biển "sale off" vài tháng nay vì… ế quá lâu.

Ông Sơn, chủ cửa hàng nằm ngay gần ngã ba Nguyễn Trãi - Nguyễn Quý Đức than: "Đâu đâu cũng giảm giá, ngay cả trên chợ Đê La Thành xưa nay bán giá rẻ nhất cũng vậy. Khách "nét" thì ít, mà chủ nhà trọ tới hỏi mua các loại bàn ghế dùng trong phòng cấp 4 cho thuê thì nhiều. Kiểu này chắc phải đợi sang năm..."

"Mốt" săn hàng thanh lý

Chưa có thống kê chi tiết về đơn hàng đặt mua đồ nội thất trong các siêu thị chuyên doanh để lắp đặt trong căn hộ chung cư, nhưng thực tế chia sẻ từ nhiều chủ hộ cho thấy hàng thanh lý, second-hand (dùng lại) đang là xu hướng phổ biến.
Trên nhiều diễn đàn mua sắm, tư vấn cộng đồng như webtretho, lamchame…, chủ đề về thanh lý đồ nội thất như tủ, giá sách, kệ bếp, giường ngủ, bộ bàn ghế phòng khách luôn thu hút rất nhiều người quan tâm.

Một tài khoản tên "yeutrecon…" đã đóng cửa topic và thông báo bán hết bộ bàn ăn gỗ ép có giá 2 triệu đồng chỉ trong 3 ngày đăng tin. Tương tự, với mức "thanh lý" giường ngủ gỗ lim chưa tới 1 triệu đồng, chủ nhân "mebin2014" tới tấp nhận được lời hỏi mua.
Điểm mạnh của cung cách bán hàng thời online, chính là đầy đủ hình ảnh, thông số. Đặc biệt, người mua có thể tùy ý ngã giá, tới xem hàng mà không lo bị "lườm nguýt" như tại nhiều cửa hàng.

Không chỉ vậy, những doanh nhân 8x hay 9x cũng rất biết cách khai thác trào lưu này. Xây dựng một trang web bán hàng trực tuyến, nhập lại các mặt hàng cần thanh lý của cá nhân, đơn vị khác, đẩy mạnh PR thông qua facebook, mạng xã hội Twitter, Google Adwork… và bán hàng thu lợi nhuận.

"Kinh doanh kiểu này rất có tiềm năng. Chỉ cần chịu khó tìm hiểu về nhu cầu phổ biến, mở rộng quan hệ, tìm kiếm các Công ty có nhu cầu thanh lý số lượng lớn và đăng tin. Việc còn lại chỉ là thỏa thuận giao dịch với người mua", Tuấn Anh, chủ nhân một Công ty bán hàng nội thất second-hand theo dạng online tại khu Cầu Giấy hồ hởi nói.

Về phía người mua, phần đông đều có độ tuổi trẻ (chưa tới 40) và đã có gia đình. Trả lời câu hỏi liệu có khả năng bị "hớ" hay không nếu mua phải hàng kém chất lượng do các đại lý phân phối "tuồn" ra thị trường, anh Sơn, nhân viên truyền thông, khẳng định: Xác suất đó vẫn có. Tuy nhiên, giá rẻ từ 50 - 70% so với sản phẩm cùng loại trong siêu thị, lại được xem xét thoải mái, thậm chí đi cùng người trong ngành để xác định chất lượng sản phẩm đó thì không cần phải nghĩ. Cứ dùng tạm trong vài năm qua thời khó khăn rồi thay đổi vẫn chưa muộn!

Song Hà (Thời báo kinh doanh)

Bài viết mới nhất