Bất động sản cẩn trọng sốt ảo

Chung cư CT3 Khu đô thị Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Không thể phủ nhận một điều, sự góp mặt của “đội quân” môi giới nhà đất những năm qua đã giúp không ít người dân tìm được cho mình một căn nhà ưng ý. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh, quá lớn về mặt số lượng của “đội quân” này đã góp phần không nhỏ làm loạn thị trường nhà đất, góp phần không nhỏ vào các cơn “sốt” nhà đất, với một “ma trận” thông tin được tung hô trên các trang rao vặt, quảng cáo nhà đất.

Thực tế tìm hiểu của phóng viên cho thấy, những thông tin mà “đội quân” môi giới nhà đất đưa ra không hoàn toàn là chính xác. Trong vai một người đang có nhu cầu tìm mua nhà đất, phóng viên đã “cậy nhờ” nhiều Văn phòng môi giới nhà đất để mong họ “tư vấn” và chỉ cho một khu đất vừa ý, hợp với túi tiền. Qua một hai lần làm việc, phóng viên được giới thiệu một số khu đất thuộc khu vực quận Ba Đình (Hà Nội). Mức giá hợp lý của những lô đất này hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu về mặt tài chính mà phóng viên đặt ra. Tuy nhiên, vị trí của những khu đất này thì lại là chẳng hợp lý chút nào!

Yêu cầu mà phóng viên đưa ra là giá khu đất từ 1,5-1,8 tỉ đồng, diện tích không dưới 30m2, vị trí không quá sâu trong ngõ, ngõ không quá nhỏ.

Tại một Văn phòng môi giới trên phố Kim Mã Thượng (quận Ba Đình), sau khi đưa ra những yêu cầu trên, phóng viên đã được một người tự xưng tên Dung liệt kê cho một loạt các khu đất mà Văn phòng đang có. Sau khi xem xét, cân nhắc, tôi chọn ra được 3 khu đất hợp lý “trên giấy tờ” và quyết định đi xem.

Trái ngược với những kỳ vọng ban đầu, những mường tượng “trên giấy tờ”, và qua cả sự mô tả của người môi giới kể trên. Nhưng khu đất mà tôi đặt chân đến hoặc nằm quá sâu trong ngõ, ngõ hẹp, hoặc diện tích sổ đỏ thực tế lại không đủ 30m2, tuy gần ngõ nhưng lại phải đi vòng vèo một đoạn đường rất xa mới tới được.

Thứ nữa, trên các trang rao bán bất động sản hiện nay, có tới 90% là do các Văn phòng môi giới nhà đất đưa ra. Những thông tin này được các Văn phòng môi giới xây dựng thành một “ma trận” với rất nhiều nguồn tin, rất nhiều thông tin, và đặc biệt là với rất nhiều mức giá. Điều đáng nói là những “ma trận” này được xây dựng xoay quanh một dự án nhất định. Ví như ở dự án CT3 Khu đô thị Cổ Nhuế. Phóng viên đã liên hệ với không dưới 20 lời quảng cáo để tìm mua thì cả 20 lời quảng cáo này đều do một nhóm nhân viên môi giới đưa ra.

Một “cò đất” tên Duy khi được hỏi về dự án CT3 này đã thẳng thắn nói ngay: Bọn em phân phối độc quyền dự án này. Giá là giá của chủ đầu tư. Những thông tin giới thiệu, rao bán trên mạng về dự án phần lớn là của bọn em. Anh có gọi điện đến số điện thoại nào thì cũng vậy thôi.

Đúng như lời “cò đất” này nói, hầu hết những số điện thoại mà tôi liên hệ, họ đều mời tôi đến cùng một địa chỉ để đi xem nhà! Và theo như một “cò đất” có kinh nghiệm lâu năm thì đây là cách mà các Văn phòng môi giới vẫn dùng để câu kéo khách hàng. Một người nói, một nguồn thông tin có thể người mua không tin nhưng nếu là 10, 20 thì sẽ khác. Tâm lý ai cũng vậy, sẽ cho đó là giá chung và chấp nhận làm việc với một trong những nguồn tin đó.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như những thông tin quảng cáo trên là thật, người mua nhà nhờ đó mua được sản phẩm thật, chất lượng tốt, tiến độ đảm bảo… Nhưng nếu những “ma trận” đó được lập nên đơn giản để trục lợi, tạo “sốt ảo” thì lại rất nguy hiểm. Bài học những năm 2011-2013 đã cho thấy, vì “sốt nóng”, phát triển quá nhanh, rồi thì chuyện giá nhà đất tăng cao chóng mặt, vượt quá khả năng tài chính của người dân… đã dẫn tới tình trạng đóng băng, ế ẩm trên thị trường bất động sản. Lòng tin của người mua nhà bị tổn thương, và nói như cách của TS Nguyễn Minh Phong thì họ chẳng khác đã bị lừa!

“Dự án là có thật nhưng thông tin về tiến độ, về khả năng tài chính của chủ đầu tư, rồi thì mặt bằng giá căn hộ tại các dự án chung cư, thanh khoản của dự án… tất cả là “ảo” để tạo niềm tin với người mua. Nhưng rồi sao, khi thị trường gặp khó khăn, tất cả những gì tốt đẹp nhất của dự án được vẽ ra trước đó chỉ là ảo, không có thật. Người mua phải lay lắt, vật lộn với chủ đầu tư. Chuyện kiện tụng, tranh chấp, khiếu nại trên thị trường vì thế cũng nổ ra…”-TS Nguyễn Minh Phong nói.

Câu chuyện trên là thực tế và là lời cảnh báo đối không chỉ với người mua mà cả với chủ đầu tư dự án bất động sản. Môi giới nhà đất là tốt, là cầu nối giúp chủ đầu tư tiếp cận với khách hàng nhưng thông tin họ đưa ra phải xác thực, và là căn cứ để người mua dựa vào đó mà quyết định. Thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc, hiện tượng “sốt” nhà đất đã xuất hiện tại một số khu vực. Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong khuyến cáo, người mua nhà cần phải hết sức cẩn trọng khi quyết định chọn mua các sản phẩm bất động sản, tránh rơi vào “nấm mồ” chon tiền ở các dự án bất động sản!

Theo PetroTimes

Bài viết mới nhất