Bất động sản 24h ngày 22/4: Thêm tin vui hỗ trợ cho thị trường BĐS

(Tinmoi.vn) Thêm thông tin hỗ trợ cho thị trường BĐS. Hải Phòng: Thuê côn đồ “quét” dân để giải phóng mặt bằng. Sàn bất động sản tính chuyện... nghỉ hè. Hoãn san tải bến xe Mỹ Đình ... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong ngày hôm nay. 

 

Thêm thông tin hỗ trợ cho thị trường BĐS

 

Theo Bộ Tài chính, để kích cầu và hỗ trợ thị trường bất động sản, Chính phủ đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án từ ngày 1/7/2013 đến 30/6/2014 sẽ giảm 50% thuế giá trị gia tăng với hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội và 30% thuế giá trị gia tăng với hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ có diện tích dưới 70m² và giá bán dưới 15 triệu đồng/m², thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.

Ngoài ra, Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cũng kiến nghị xem xét huy động vốn từ trái phiếu công trình để tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết tồn kho của các doanh nghiệp, tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở; doanh nghiệp được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng; giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội xuống còn 5% để người mua nhà được hưởng lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán…

Hà Nội cho biết sẽ mua lại một số lượng căn hộ thương mại tồn đọng làm nhà tái định cư, tiêu chí xét mua lại là các dự án nhà ở thương mại phải có giá trong khoảng 15-17 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70m2. Còn tại Tp.HCM, chính quyền không bỏ tiền ngân sách ra mua nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp mà căn cứ các đối tượng được mua nhà ở xã hội đã được hội đồng nhà ở xã hội quận huyện, thành phố xét duyệt, trên cơ sở đó tổ chức việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được lựa chọn với các đối tượng được mua nhà ở xã hội.

 

Hải Phòng: Thuê côn đồ “quét” dân để giải phóng mặt bằng

 

Khu vực xảy ra xô xát giữa người dân và bảo vệ của doanh nghiệp.

Khoảng 12h ngày 21/4, tại khu đất cạnh Quốc lộ 10 đi qua thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng, xảy ra vụ xô xát giữa 50 “bảo vệ” được doanh nghiệp thuê đến để "đảm bảo an ninh trật tự phục vụ thi công dự án" và người dân sở tại. Vụ hỗn chiến đã khiến xã Đại Thắng náo loạn, hơn chục người dân bị thương.

Công ty cổ phần Hoa Thành và UBND xã Đại Thắng bị yêu cầu tạm dừng triển khai dự án do còn đang có khiếu kiện, vướng mắc trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ngày 26/3/2013, công ty Hoa Thành ký hợp đồng với công ty TNHH Quỳnh Dương (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) để thi công các hạng mục công trình thuộc dự án. Công ty Quỳnh Dương đã thuê 120 bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an toàn mặt bằng dự án xây nhà máy giầy Hoa Thành tại địa điểm trên. Vì vậy, trưa ngày 21/4, cả 3 công ty “dẫn quân” về để chuẩn bị cho việc thi công thì xảy ra xô xát với người dân. Cuối giờ chiều cùng ngày, cơ quan công an đã đưa những người bị thương đi kiểm tra sức khỏe tại cơ sở y tế và lấy lời khai của các nạn nhân.

 

Thi công cầu: Nhà nứt, rung lắc, mất ngủ vẫn bám chờ đền bù

 

Nhiều người dân sống tại khu vực bị giải tỏa (phía bên trái) không đồng ý với cách thực hiện việc bồi thường của cơ quan chức năng

 

Được khởi công vào ngày 8/1/2011, theo dự kiến cầu Kinh Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM) sẽ được hoàn thành trong năm 2013 nhưng đến thời điểm hiện tại cây cầu vẫn chưa xong được 50%. Không chỉ gặp phải những vướng mắc về đền bù, giải tỏa, kể từ khi công trình bắt đầu thi công nhiều căn nhà tại đây (phía Thanh Đa) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện tại căn nhà ông Lê Văn Tòng bị nghiêng rõ rệt có thể nhận thấy bằng mắt thường, kèm theo đó là hàng chục vết nứt khắp nơi, có chỗ tường đã bị hở tới gần 10cm. Tương tự, căn nhà số 25 của ông Nguyễn Đức Khiêm cũng đang bị rất nhiều vết nứt; nhà chị Bùi Thị Bi cũng đang có khoảng 30 vết nứt, trong khi nền bị lún nghiêm trọng. Theo các hộ dân nêu trên, tất cả những hư hại này đã được cơ quan chức năng ghi nhận, chụp hình nhưng hiện tại vẫn chưa biết sẽ được giải quyết ra sao. Ngoài những thiệt hại trên nhiều người còn bị mất đi nguồn thu nuôi sống gia đình. Trước kia lầu 1 được ông Tòng cho thuê trọ, nhưng từ khi căn nhà bị ảnh hưởng ông đã phải cho những người thuê nhà dời đi. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết, nhiều khi đang giữa đêm phải gọi cả gia đình dậy để chạy ra ngoài bởi căn nhà bị rung lắc dữ dội do thi công cầu Kinh. “Chúng tôi luôn phải sống trong trạng thái sợ hãi tột độ bởi nguy hiểm luôn rình rập, căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào”.

 

Hoãn san tải bến xe Mỹ Đình

 

Bến xe Mỹ Đình

 

Vì quá tải nên tại khu vực Bến xe Mỹ Đình xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc vào một số thời điểm. Hiện tượng xe dù, bến cóc, dừng bắt khách không đúng nơi quy định suốt chiều dài tuyến đường vành đai 3 gia tăng, gây bức xúc trong dư luận.Chủ trương di dời một số tuyến xe ra khỏi bến Mỹ Đình nhằm mục đích san tải đã được các sở, ban ngành Hà Nội nhất trí, tuy nhiên, khi giờ G cận kề, quyết định này đã được hoãn lại do vấp phải sự phản ứng gay gắt của giới DN vận tải đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình; thậm chí một số DN, hiệp hội, Sở GTVT một số tỉnh đã gửi đơn phản ứng lên thành phố Hà Nội.

 

Người nước ngoài khó mua nhà tại Việt Nam

 

Dù đã có chủ trương thí điểm tạo điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại VN nhưng thực tế đây vẫn là hành trình đầy gian nan. Ông Trương Văn Hiếu, trưởng phòng kinh tế của Ủy ban Người VN ở nước ngoài TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu Việt kiều về nước mua nhà và đầu tư rất lớn, trong đó có nhiều bà con khi tìm hiểu thủ tục thấy quá khắt khe và rườm rà nên thôi ý định mua nhà tại VN. Phần lớn bà con gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc Việt kiều vì nhiều người đã mất hết giấy tờ”. Trước thực trạng này, Chính phủ vừa thông qua nghị quyết 48 yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN.

 

Khánh Hòa: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 52/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) của tỉnh Khánh Hòa.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa là 522.798 ha, trong đó: Đất nông nghiệp có diện tích 323.963 ha, Đất chưa sử dụng có diện tích 112.481 ha, Đất phi nông nghiệp có diện tích 86.354 ha, Đất đô thị có diện tích 98.181 ha, Đất khu bảo tồn thiên nhiên 23.000 ha, Đất khu du lịch có diện tích 8.970 ha.

 

Sàn bất động sản tính chuyện... nghỉ hè

 

Đường Lê Trọng Tấn vốn được mệnh danh là "kinh đô nhà đất" một thời nay "vắng như chùa Bà Đanh"

 

Hết xuân, qua “tháng ăn chơi” nhưng nhiều sàn giao dịch bất động sản vẫn tiếp tục “án binh bất động” với kỳ nghỉ hè…

Thị trường BĐS vẫn không mấy khởi sắc khiến cho nhiều sàn BĐS chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều sàn tính đến chuyện đóng cửa. Tiếp nối chuỗi ngày nghỉ tết sàn giao dịch lại lao đao lâm vào cảnh nghỉ hè.

Dân kinh doanh BĐS cũng chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu không biết bao giờ thị trường nhà đất mới cắt cơn được những kỳ nghỉ?

 

Tổng hợp

Bài viết mới nhất