32 năm nữa mới giải ngân xong gói 30.000 tỷ đồng!
- 07/10/2017
- Tin tức thời sự
32 năm nữa mới giải ngân xong gói 30.000 tỷ
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 30.11.2013, 5 ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB mới chỉ giải ngân được 470,8 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ cho 1.236 khách hàng.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng Vietinbank đã giải ngân cho 314 khách hàng với dư nợ 68,1 tỷ đồng. Vietcombank đã giải ngân cho 360 khách hàng với dư nợ 98,8 tỷ đồng.
BIDV đã giải ngân cho 389 khách hàng với dư nợ 98,9 tỷ đồng. Agribank giải ngân cho 122 khách hàng với dư nợ 23,8 tỷ đồng. Cuối cùng là MHB giải ngân cho 46 khách hàng với dư nợ 5,05 tỷ đồng.
Với khách hàng doanh nghiệp, 3 ngân hàng là BIDV, Vietcombank, Agribank đã ký hợp đồng tín dụng với 10 doanh nghiệp với tổng số tiền cam kết 1.110 tỷ đồng. Tuy nhiên, 3 ngân hàng này mới chỉ giải ngân được cho 5 doanh nghiệp với số tiền 176,07 tỷ đồng.
Với tốc độ như hiện nay, phải mất thêm 32 năm nữa mới giải ngân xong gói 30.000 tỷ (Ảnh minh họa)
Như vậy, sau 6 tháng triển khai, số tiền giải ngân mới chỉ đạt 1,56%. Và với tốc độ này, theo tính toán cần phải mất thêm 32 năm nữa thì số tiền 30.000 tỷ mới giải ngân xong.
Còn nhớ trước đó, mục tiêu mà NHNN và Bộ Xây dựng đề ra là chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1.6.2013, phải hoàn thành việc giải ngân gói 30.000 tỷ. Tuy nhiên sau 6 tháng triển khai, tốc độ giải ngân mới chỉ đạt 1,56%, và cần thêm 32 năm nữa thì may ra mục tiêu này mới hoàn thành.
Gói 30.000 tỷ đã thất bại vô cùng thảm hại
"Vào tháng 7, tháng 8 vừa qua tôi đã nói rất nhiều về sự thất bại của gói 30.000 tỷ, và cho đến ngày hôm nay, nếu có nói tiếp sự thất bại thì cũng bằng thừa. Có chăng là gần 4 tháng trước, tôi nói gói 30.000 tỷ thất bại, còn bây giờ là thất bại rất thảm hại, vô cùng thảm hại chứ không còn từ nào hơn" - ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đau đớn tâm sự với Một Thế Giới.
Theo ông, nguyên nhân khiến cho gói 30.000 tỷ thất bại là do Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ đã ra đời muộn mất 2 năm. Khi thị trường BĐS mới bất đầu "lâm bệnh" thì vẫn còn có khả năng chữa trị. Nhưng vì ai cũng đều che dấu, cũng lạc quan nên đợi đến khi BĐS chìm nặng trong bệnh tật thì việc cứu chữa là đã muộn màng.
"Bây giờ chẳng còn gì để mà cứu chữa nữa vì đã quá trễ rồi. Trí tuệ của cả nước đều tập trung để cho ra đời Nghị quyết 02, giống như một liều thuốc để cho rất nhiều người hy vọng, nhưng cuối cùng lại thất bại.
Năm 2013 này là liệu pháp cuối cùng để trị bệnh nhưng không thành, nên 2014 sẽ đổ vỡ hàng loạt thôi" - ông Đực nói.
Duyên Duyên (Một thế giới)
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...