CHUYỆN YỂU MỆNH CỦA NHÀ MẠC, NHÀ HỒ VÀ GIẢ THUYẾT CHỌN SAI ĐẤT ĐỊNH ĐÔ PHẦN 2
- 03/07/2013
- Phong thủy nhà đất
Về phương diện phong thủy, xây thành, định đô bao giờ cũng được coi là một câu chuyện đậm tính tâm linh, từ chọn hướng đất tới hoạch định kiến trúc, rồi trấn yểm, giữ thành. Những chuyện ấy luôn thần bí và chính vì thế luôn thu hút sự tò mò của dân chúng.
Gạt bỏ những yếu tố tâm linh chưa giải thích được ngay một cách rộng rãi, giả thuyết sự yểu mệnh của nhà Hồ, nhà Mạc do chọn sai thế đất thực chất là muốn đề cập đến những nguyên tắc cơ bản và quan điểm chức năng trong việc chọn đất để làm thủ đô.
Dạo bước dưới chân thành cổ nhà Hồ, tha thẩn trong thành nội Huế, hay thắp nén nhang trong thành Cổ Loa, người ta cảm thấy bồi hồi khó tả khi quá khứ xa xưa như đang vọng về trong từng ngọn cỏ, lớp đá, từng viên gạch cũ…; khi nhìn lại những nơi mà theo sử sách mô tả từng là chốn lầu son gác tía nguy nga, tráng lệ ngày xưa, nay chỉ còn là phế tích.
Việt Nam từ buổi lập nước tới nay, trải qua các thời đại đã có nhiều kinh đô: thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Hoa Lư (Ninh Bình), Thăng Long-Đông Đô (Hà Nội), kinh thành Huế. Nhà Hồ (1400-1407) và nhà Mạc (1527-1592) bị sử cũ coi là “ngụy triều”, cũng có lập thành Tây Đô ở Thanh Hóa và thành nhà Mạc ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang.
Từ lựa chọn của người xưa…
Theo một số chuyên gia địa lý, tất cả thành quách dù lớn dù nhỏ đều là nơi phồn hoa đô hội, dân chúng tụ tập, “bé thì là thị trấn, thị tứ, lớn thì làm thành phố, cực thủ thì trở thành thủ đô”. Tất cả thành quách đều có sông núi bao quanh, như Tây Đô có sông Mã, sông Bưởi và núi Thổ Tượng, Đún Sơn; kinh đô Huế có sông Hương, núi Ngự…
Chùa Trấn Quốc được xem như một “điểm tâm linh” của Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: ĐOAN TRANG
Nhưng để chọn một nơi định đô thì không phải thành phố nào cũng đáp ứng. Các triều đại phong kiến hưng thịnh Việt Nam đã dựa vào khoa địa lý phong thủy để chọn Hà Nội vì Hà Nội lấy núi Ba Vì làm tọa sơn, phía tả có tay long chạy từ Tam Đảo ra tận Quảng Ninh, phía hữu có tay hổ là dãy núi chạy dài qua Ninh Bình, Tam Điệp, ra cửa biển Thần Phù. Tay long dài, tay hổ ngắn tạo thành thế “long bão hổ” không gì quý bằng. Đằng trước là cả một vùng châu thổ sông Hồng làm “minh đường” (được hiểu như khoảng đất, khoảng sân trống trước cửa nhà), rộng mênh mông, xa hơn nữa là biển Đông vỗ sóng.
Đó là một thế đất cực vượng, đúng như Lý Thái Tổ đã tuyên trong Chiếu dời đô năm Canh Tuất 1010: “Thành Đại La (…) ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Viện Khoa học xã hội Việt Nam).
Báo cáo tiếp thu, giải trình về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 cũng nhấn mạnh đến vị thế địa lý phong thủy này: Theo phương án mở rộng này, địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên, đó cũng là xu hướng phát triển bền vững nhất mà nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng tới.
Cái mà các nhà nghiên cứu gọi là long mạch đó chính là Hồ Tây và các con sông, hồ khác ở Hà thành: “Hồ Tây lấy nước từ sông Hồng, rồi đổ vào các con sông chảy quanh Hà Nội, đó là mạch long cực đẹp, là nơi tụ khí rất tốt. Mà nguyên tắc của phong thủy là khí tụ thì vật tụ, vật tụ thì tài tụ, tài tụ thì người tụ lại. Hội được nhiều yếu tố tốt đẹp như thế nên Lý Thái Tổ mới lấy đất này làm nơi đóng đô ngàn năm và nó sẽ còn thịnh vượng mãi mãi nếu được tu bổ”.
… Đến những nguyên tắc khoa học hiện đại
Nhìn trên giác độ khoa học, đó phải chăng là do thời xưa, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, giao thông khó khăn, người ta cần tụ về các khu vực có sông có nước để dễ bề đi lại, vận chuyển (bằng đường thủy)? Ngoài ra, điều này còn xuất phát từ những lý do đã được nhắc tới nhiều như môi trường sông nước tạo ra những vùng châu thổ phì nhiêu, thường là nơi khí hậu trong lành, mát mẻ, tốt cho sức khỏe và sinh hoạt của con người.
Trong lịch sử, các đô thị lớn ở nhiều nước trên thế giới đều có một dòng sông lớn chảy trong lòng thành phố. Như thủ đô Washington, DC của nước Mỹ có sông Potomac, Paris có sông Seine, London có sông Thames, Vienne (Áo), Bratislava (Slovaque), Budapest (Hungary) và Belgrade (Serbie) có sông Danube, TP Hambourg (Đức) có sông Elbe, Thượng Hải (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố… Đó đều là những con sông đẹp đẽ, thơ mộng, tô điểm cho cảnh quan. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà trong quá khứ, khi còn chưa có khái niệm quy hoạch hiện đại, mảnh đất nơi những sông này chảy qua đã được dân chúng lựa chọn mà tụ về, dần dà trở thành thủ đô hay thành phố lớn. Còn nói về thế tựa núi và núi non bao bọc đó chính là nói về “bức tường thành” ngăn bão tố...
Đoạn tường còn sót lại của thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: ĐOAN TRANG
So với các kinh đô cổ khác ở Việt Nam (cũng đều có núi có sông bao bọc) thì Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội vẫn là nơi hội đủ các yếu tố tích cực về địa thế. Ví như thành Tây Đô của nhà Hồ ở Thanh Hóa có núi có non nhưng đó chỉ là phần kéo dài của “tay hổ” ở Hà Nội, địa thế “hợp với loạn mà không hợp với trị”. Nhà Mạc chọn Cao Bằng tuy đất đai hiểm trở nhưng chỉ có núi đồi, đường đi khó khăn. Nói theo ngôn ngữ thời nay thì đó không phải là nơi để làm ăn kinh tế, không chứa được muôn dân, không thể hội tụ dân về định đô muôn đời. Xứ Huế với sông Hương núi Ngự thì núi không cao, sông không sâu, nước chảy lờ đờ, đất không rộng rãi nên chỉ làm thành phố chứ không làm thủ đô được.
Theo nhà nghiên cứu Hà Thủy (Tuần Việt Nam, 1-6-2010), đó là lựa chọn địa điểm, quy hoạch cho trung tâm chính trị-hành chính quốc gia (đồng nghĩa quy hoạch đô thị trung tâm quyền lực nhà nước bao gồm các cơ quan hành pháp, lập pháp, cơ quan tư pháp tối cao) là nhiệm vụ hàng đầu, mang ý nghĩa căn bản nhất, làm tiền đề, cơ sở để nghiên cứu thực thi các mục tiêu quy hoạch khác… Phát triển bền vững thành phố thủ đô trước tiên phải phát triển bền vững hạt nhân đô thị đặc thù của thủ đô (tức đô thị trung tâm quyền lực nhà nước, đô thị trung tâm văn hóa-lịch sử).
Sự lựa chọn này có tác động quyết định đến vận mệnh của đất nước, không thể xem nhẹ các bài học lịch sử trong nước và quốc tế nhưng rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu, khoa học, không theo cảm tính, mê tín, dị đoan “trục tâm linh” nào cả.
Nhà nghiên cứu này nhận xét: Các thủ đô ngàn năm tuổi (Roma, London, Paris, Bắc Kinh, New Delhi) vẫn tươi mới, giàu sức sống, đẹp và thịnh vượng với tư cách một thủ đô tập quyền.
Hà Nội qua lịch sử ngàn năm đã tự khẳng định là thủ đô trung tâm quyền lực quốc gia và hiến pháp cũng đã khẳng định như thế.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...