Rủi ro khi mua nhà giấy viết tay


Chiều theo ý thích gia đình, Nguyễn Văn Kiên (Thạch Thất, Hà Nội) gật đầu mua mảnh đất 25 m2 trong con ngõ nhỏ phố Vĩnh Hưng, Hà Nội. Mảnh đất này chỉ có giấy tờ viết tay, nhưng giá bán cũng gần 700 triệu đồng. Kiên nhăn nhó, ông bà ở nhà cứ nhất định phải mua đất mới cho tiền, mà đất có giấy tờ đầy đủ cũng phải trên tỷ đồng, số tiền ấy quá sức đối với gia đình Kiên. Thế là, đất “không giấy tờ” được Kiên chọn mua.

“Cả phố, cả khu người ta vẫn ở và đều là nhà mua theo kiểu giấy viết tay. Họ ở cả chục năm rồi có sao đâu? Sai thì cũng sai tập thể mà sau này có vào dự án đi chăng nữa thì mọi người sao mình vậy, cứ có cái nhà ở tạm đã rồi tính tiếp”, Kiên cười nói.

Ảnh minh họa


Theo Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thì nhà đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ không được công chứng khi tiến hành các giao dịch liên quan. Do không được công chứng, nếu có tranh chấp thì các bên sẽ phải chứng minh các giấy tờ đó hợp pháp và hợp lệ. Trường hợp này rất khó khăn cho bên mua, vì pháp luật đã quy định trong các trường hợp như trên thì văn bản, hợp đồng mua bán phải được công chứng.

Và thông thường, khi các tranh chấp xảy ra tòa án thường tuyên giao dịch vô hiệu vì các bên đã vi phạm luật. Và khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường…

Trong trường hợp trên, người mua sẽ phải trả lại nhà, đất đã mua trước đây cho bên bán và bên bán sẽ trả lại tiền và những gì đã nhận của bên mua. Có thể nói, trong mọi trường hợp bên mua sẽ luôn có nguy cơ bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, khi mua nhà, đất không có giấy tờ hợp pháp, người mua sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… hoặc tiến hành thực hiện các giao dịch khác như cầm cố, thế chấp… Đấy là chưa kể nhiều người lợi dụng tình trạng này để tiến hành lừa đảo khi mang cùng một mảnh đất bán cho nhiều người (thực tế đã xảy ra), dẫn tới sự tranh chấp.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Đống Đa) ngán ngẩm, vài năm trước chị cùng chồng cũng liều mua mảnh đất viết tay ở khu Láng. Oái oăm là vừa giao tiền và nhận đất được vài tháng thì chủ đất quay lại kiện đòi đất. Ra tòa, tòa tuyên vô hiệu thế là chủ đất chỉ hoàn lại tiền còn anh chị trả lại đất. Tìm hiểu chị mới té ngửa khi biết lô đất ấy giá mới tăng thêm vài trăm triệu đồng, chủ đất xót tiền nên kiện đòi lại để bán. “Tiền mình mua đất là vay bằng vàng. Giá vàng thì tăng gấp đôi mà đất vẫn chẳng có, tự dưng mất thêm cả trăm triệu đồng vì vàng rồi còn mệt mỏi vì phải thuê luật sư theo kiện…”, chị Thanh cho biết.

Còn anh Nguyễn Đức Minh (Nghệ An) thì nhớ mãi kỷ niệm về căn nhà mình mua. Mấy năm trước, vợ chồng anh cũng tích cóp được chút vốn để mua nhà, chọn mãi mới “ưng” được mảnh đất thổ cư gần cơ quan, tiện đường đi làm nhưng vẫn chưa có sổ đỏ. Vợ chồng bàn nhau, thôi thì cứ mua rồi xây nhà ở tạm và làm giấy tờ sau. Nhưng mới giao được 2/3 tiền mua nhà, chờ làm xong thủ tục giao nốt và nhận bàn giao thì ông chủ nhà bị tai biến và mất, thế là việc mua bán nhà bị rơi vào tình thế sống dở chết dở.

Theo các luật sư, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, tránh thiệt hại khi có tranh chấp, giải tỏa nhà đất, người mua chỉ nên giao dịch mua bán, chuyển nhượng với người đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cần tìm hiểu đất ấy có nằm trong quy hoạch, đền bù giải tỏa, có ai tranh chấp quyền sử dụng không; phải giao dịch, ký kết hợp đồng với chính người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được ký kết tại UBND phường, xã nơi có đất chuyển nhượng được chủ tịch UBND chứng nhận, hoặc tại phòng công chứng có công chứng viên xác nhận. Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên tránh việc hai bên làm giấy tờ viết tay với nhau, không được cơ quan thẩm quyền chứng nhận.


Theo Thời báo Ngân hàng

Bài viết mới nhất