Việt Kiều mua nhà: Sẽ không có đột biến

 Việt Kiều mua nhà: Sẽ không có đột biến

Ông Trần Hà Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM. Ảnh: Trần Phong.

Đó là những chia sẻ của ông Trần Hà Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, trong cuộc trao đổi với CafeLand.

Luật Nhà ở 2014, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã có tác động như thế nào đối với cộng đồng Kiều bào?

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm với cộng đồng Kiều bào. Trong đó, có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho Kiều bào liên quan đến các vấn đề như đầu tư, Quốc tịch, mua, sở hữu nhà…

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện thì bên cạnh những gì đạt được, vẫn còn những thủ tục hành chính, nhiều giấy tờ hạn chế hiệu quả tính đúng đắn của chủ trương, chính sách.

Luật Nhà ở Việt Nam 2014, đã cụ thể hóa thêm một bước nữa là cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua, sở hữu nhà trong nước chỉ cần có giấy xác nhận gốc Việt Nam. Điều này khác với luật trước đây, khi chỉ người có Quốc tịch Việt Nam mới được mua nhà như công dân trong nước.

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM hiện có mối qua hệ với hơn ½ trên tổng số 4,5 triệu Kiều bào trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong thời gian vừa qua, Kiều bào rất quan tâm tới việc mua, sở hữu nhà trong nước. Nhiều người trực tiếp đến hỏi, gửi email đển chúng tôi để được tư vấn.

Dù có đi đâu đi nữa, thì việc có một căn nhà ở quê hương, để mỗi lần về quê được nghỉ lại trong chính căn nhà của mình thì không có gì bằng. Do đó Kiều bào rất vui mừng và hoan nghênh Luật Nhà ở 2014.

Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực gần 1 tháng, có những vấn đề gì gây khó khăn?

Từ ngày 1/7, Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, tuy nhiên quy trình để luật đi vào cuộc sống thì nó đòi hỏi có các văn bản hướng dẫn luật như là nghị định, thông tư.

Đặc biệt, liên quan đến yếu tố người Việt Nam ở nước ngoài thì cần phải có những hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, như những loại giấy tờ nào được công nhận, những khu vực nào được mua nhà, khu vực nào cấm, rồi phương thức thanh toán, có cho Kiều bào vay để mua nhà hay không?.

Tất cả những điều này cần phải có hướng dẫn cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan khác nhau như: Cơ quan ban hành, soạn thảo luật, Sở Tư pháp, Bộ Xây Dựng, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng…

Nay đã cuối tháng 7, nhưng nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở 2014 của Chính phủ vẫn chưa được ban hành. Hiện nay, khi Kiều bào hỏi, làm việc thì vẫn bị kẹt tại các văn phòng công chứng các quận, huyện do vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, việc chứng minh nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài như thế nào?

Trước đây, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM,  được UBNND TPHCM ủy quyền cấp các cái loại giấy chứng nhận gốc Việt Nam để phục vụ cho mục đích đầu tư, hay xin giấy miễn thị thực.

Tuy nhiên từ đầu năm 2010 trở lại đây, chúng tôi không làm cái thủ tục này. Theo luật Quốc tịch năm 2008 quy định, việc xác định gốc Việt Nam thuộc chức năng của Sở Tư pháp các tỉnh thành và Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài.

Sắp tới, sẽ có một số lượng rất lớn Kiều bào có nhu cầu được cấp giấy chứng minh gốc Việt Nam. Chúng tôi sẽ kiến nghị cho phép UBND TP được ủy quyền cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài được cấp xác nhận gốc Việt Nam cho Kiều bào.

Bởi vì, giấy xác nhận gốc Việt Nam hoàn toàn khác với giấy chứng nhận có Quốc tịch Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến Quốc tịch thì giao về Sở Tư pháp, còn giấy xác nhận gốc Việt Nam thì giao cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Như vậy, nhằm tạo điều kiện Kiều bào được dễ dàng hơn, không phải gửi ra Hà Nội, không phải gửi về Sở Tư pháp, trong khi lượng công việc những nơi đó quá lớn mà bây giờ lại thêm một sức ép nữa thì sẽ tốn thêm chi phí, thời gian chờ đợi của bà con.

Vẫn nhiều băn khoăn về cách chuyển tiền mua nhà trong nước?

Chuyển tiền thì liên quan tới quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo luật hiện nay, nếu mang dưới 5.000 USD qua cửa khẩu thì không phải khai báo, trên số này thì phải khai báo với hải quan để đảm bảo quản lý nhà nước về ngoại hối, ngoại tệ.

Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích bà con nên chuyển tiền qua ngân hàng để có các quy định cụ thể. Không nên mang lượng lớn tiền mặt, không an toàn. Kiều bào cũng phải có trách nhiệm chứng minh với cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ của quốc gia sở tại Kiều bào đang sống và cơ quan quản lý Việt Nam về nguồn gốc hợp pháp của số tiền đó.

Vấn đề bây giờ là cần có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề như chuyển tiền, bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh tín dụng, mua trả góp…

Với những điều khoản mở của Luật Nhà ở 2014 thì liệu sắp tới sẽ có một lượng lớn Kiều bào về Việt Nam mua nhà không?

Trong thực tế, đã có nhiều Kiều bào sở hữu nhà ở Việt Nam, chứ không phải là chưa có. Nhiều người chưa được đứng tên nhưng đã nhờ thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp đứng tên để mua nhà.

Những người chưa có cơ hội đứng tên thì nay sẽ hợp thức hóa theo Luật Nhà ở 2014. Do đó, nhu cầu mua nhà ở Việt Nam là có thực, nhưng sẽ không có sự đột biến lớn về số lượng Kiều bào về mua nhà trong nước.

Xin cám ơn ông!

Trần Phong (CafeLand)

Bài viết mới nhất