Vì sao nhà giá rẻ khan hiếm?


Tại thời điểm cách đây hơn 2 năm, khi thị trường BĐS còn trầm lắng, phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền được coi là “cứu cánh” của nhiều DN đầu tư kinh doanh BĐS. Với mức giá trên dưới 1 tỷ đ/căn, được vay vốn hỗ trợ đến 50%, thậm chí 70 - 80% giá trị căn hộ, số lượng các dự án BĐS được tung ra lên tới hàng chục nghìn căn như tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ… đều được bán hết chỉ trong một thời gian ngắn khi các dự án được mở bán.

Nhưng đến khi thị trường bắt đầu phục hồi, kéo nhiều nhà đầu tư trở lại, phân khúc nhà vừa túi tiền lại dậm chân tại chỗ, bị lép vế trước phân khúc nhà trung và cao cấp. Số lượng dự án căn hộ thương mại có mức giá trên dưới 1 tỷ đ/căn tại Hà Nội mở bán không có nhiều trong khi số lượng nhà ở cho người thu nhập thấp lại khá khiêm tốn.

“Theo thông tin trên mạng một dự án nhà ở tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội vừa mới mở bán cách đây không lâu, khi tôi gọi đến số điện thoại liên hệ trên các website trên mạng, các môi giới đều cho biết các căn tại dự án này gần như đã được phân phối hết trước cả thời điểm mở bán và giờ chỉ có thể mua lại các “suất ngoại giao” với giá chênh lên tới gần 100 triệu đ/căn”, mà cũng không chắc đã còn vì số lượng người mua đăng ký rất lớn, tỷ lệ nghịch với số lượng căn hộ”. Chị Hường (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong số rất nhiều người muốn mua nhà giá rẻ cho hay.

Đại diện chủ đầu tư BĐS tại Hà Nội cho biết: Ngoài lý do về việc nhiều người lo ngại vì tình trạng kém chất lượng của những chung cư giá rẻ, thì nguyên nhân khiến các dự án nhà ở giá rẻ khan hiếm trong thời gian vừa qua là do sự tác động của các chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng. Trong đó, có thể coi việc gói 30 nghìn tỷ đồng bị tạm ngừng giải ngân và dừng ký vay mới đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý chung của cả nhà đầu tư, lẫn người mua nhà.

Trong khi người mua nhà chờ đợi chính sách hỗ trợ mới để có thể tiếp cận dễ dàng trong việc sở hữu một căn nhà, thì với các chủ đầu tư, việc thay đổi về mặt chính sách chứa nhiều “rủi ro”, khiến DN phải cân nhắc, tính toán kỹ hơn kế hoạch triển khai các dự án nhà ở giá rẻ.

Theo chia sẻ của chị Hiền, nhân viên môi giới BĐS các dự án HH Linh Đàm, do xu hướng mua nhà giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng) đang “sốt” nên những căn diện tích nhỏ khi vừa mới ra hàng đã được các nhà đầu tư “ôm” nhằm bán chênh kiếm lời, vì thế người mua khó có thể sở hữu những căn hộ này trực tiếp từ chủ đầu tư. Nếu có mua thì cũng sẽ phải mua lại với mức giá chênh từ 80 - 100 triệu đ/căn trở lên tùy vị trí.

Thực tế cho thấy, nếu như trước đây, hầu như các chủ đầu tư phải giảm giá bán, cắt giảm lợi nhuận để đưa những sản phẩm chung cư giá rẻ đến tay khách hàng, thì hiện tại, khi thị trường có những dấu hiệu tích cực, các chủ đầu tư lại đua nhau tăng giá và chuyển từ đầu tư phân khúc trung bình - thấp sang phân khúc cao cấp. Vì vậy, việc tìm những dự án chung cư mới có mức giá dưới 1 tỷ đ/căn tại Hà Nội hiện nay không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ thị trường chung cư đã thiết lập mặt bằng giá mới. Các chủ đầu tư cũng chuyển dần hướng đầu tư sang phân khúc cao cấp thay vì phân khúc nhà giá rẻ như trước đây.

Cũng không phải không có dự án dưới 1 tỷ đồng, nhưng theo các chuyên gia BĐS thì trong khi nhu cầu ở thực của đại đa số người dân vẫn tập trung ở phân khúc nhà giá rẻ, thì việc các chủ đầu tư phát triển ồ ạt các dự án cao cấp sẽ khiến hàng hóa BĐS bị mất cân đối. Chưa kể những dự án này ở khu vực xa, chưa có hạ tầng đồng bộ, giao thông không thuận tiện nên những người có nhu cầu ở thực không thể mua. Hơn nữa, các dự án này cũng chưa biết đến bao giờ mới xong để có thể bàn giao nhà cho người dân, khiến khách hàng không dám xuống tiền.

Theo Báo Xây dựng

Bài viết mới nhất